Nghi án lừa đảo hàng trăm triệu USD của ngành điều: DN Việt cần làm gì khi giao thương với đối tác nước ngoài?

Từ vụ việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD đã đặt ra rất nhiều bài học kinh nghiệm. Sau sự vụ này, khi làm ăn với đối tác nước ngoài các thương nhân Việt Nam cần chú ý những gì?

Nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng có giá trị lớn

Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu. Các doanh nghiệp lo ngại rằng đây có thể là vụ lừa đảo lớn khi các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy.

Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italy nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.

Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.

Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy không phải bản gốc. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Hiệp hội điều Việt Nam đang kêu gọi sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu, đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp "Khẩn cấp" - tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.

Gần 100 container điều với trị giá hàng trăm triệu USD của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng khi xuất sang châu Âu
Gần 100 container điều với trị giá hàng trăm triệu USD của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng khi xuất sang châu Âu

Trước tình hình như vậy, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi Bộ trưởng các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Doanh nghiệp cần làm gì khi giao thương với đối tác nước ngoài?

Từ vụ việc nói trên, trao đổi với chúng tôi nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá với các đối tác nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Các chuyên gia đều cho rằng, sự cố gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD có nguy cơ mất trắng đến từ tâm lý chủ quan của các đơn vị trong nước. Vì nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam không quá chủ quan, tin tưởng vào phía đơn vị môi giới – Công ty Kim Hạnh Việt mà cẩn trọng trong việc tìm hiểu, xác minh thông tin của đối tác nước ngoài để kịp thời phát hiện sớm những nghi vấn trước khi gửi hàng thì có lẽ sự việc không xảy ra. Sự chủ quan trên xuất phát từ các nguyên nhân như các doanh nghiệp cần bán được điều nhân trong tình cảnh thương mại khó khăn và sự chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin người mua.

Hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán như: phương thức thanh toán chuyển tiền, phương thức ghi sổ, phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P), phương thức tín dụng chứng từ… Đáng nói là mỗi phương thức thanh toán đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó đồng thời cũng chỉ phù hợp với những trường hợp giao dịch trong những điều kiện nhất định. Do đó, việc doanh nghiệp lựa chọn được phương thức thanh toán phù hợp và an toàn nhất đối với các giao dịch thương mại quốc tế của của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi tiến hành giao thương với đối tác nước ngoài
Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi tiến hành giao thương với đối tác nước ngoài

Như đối với phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu, rồi nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng. Đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, chi phí thấp. Tuy nhiên lại chứa đựng nhiều rủi ro như rủi ro là khi bên mua chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán.

Trong khi đó, thanh toán phương thức tín dụng chứng từ mặc dù rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, việc lập chứng từ đòi hỏi phải có độ chính xác cao, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán… Điều này lý giải vì sao sao phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ mặc dù nhiều rủi ro nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam vẫn lựa chọn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đàm phán hợp đồng với các đối tác nước ngoài, đặc biệt khi giao dịch với các đối tác mới cần lựa chọn được phương an toàn hơn như dùng tín dụng thư, thanh toán trả trước tiền cọc hoặc bảo lãnh ngân hàng... các chuyên gia cảnh báo.

Một bài học rất quan trọng nữa là trong trường hợp phát sinh sự cố liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động thật nhanh, thông qua các kênh của Hiệp hội ngành hàng trọng nước và tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu… áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm giảm thiểu được nhiều nhất thiệt hại có thể xảy ra. Như việc 4 container hạt điều đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Ý ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý, lãnh sự danh dự tại Napoli. Đồng thời cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...