Người dân Hàn Quốc thường không chỉ có một hay hai cách tính tuổi như nhiều quốc gia khác ở châu Á và trên thế giới, mà họ có đến ba cách tính tuổi tuổi khác nhau, bao gồm: “tuổi quốc tế”, “tuổi Hàn Quốc” và “tuổi âm lịch”.
Và đến nay, để hạn chế sự phức tạp và nhầm lẫn có thể xảy ra, Quốc hội nước này đã ra sắc lệnh rằng từ tháng 6/2023, tất cả các tài liệu chính thức phải sử dụng “tuổi quốc tế” tiêu chuẩn.
Động thái đó, diễn ra sau một cuộc tranh luận kéo dài, sẽ đưa hệ thống tính tuổi của Hàn Quốc phù hợp với phần lớn phần còn lại của thế giới và giảm bớt những khác biệt pháp lý phát sinh từ việc sử dụng ba hệ thống khác nhau.
Ở Hàn Quốc, “tuổi quốc tế” tính từ số năm khi họ được sinh ra, bắt đầu từ số 0 – giống như hệ thống được sử dụng ở hầu hết các quốc gia khác.
Nhưng khi được hỏi tuổi trong môi trường thân mật hơn (bạn bè, đồng nghiệp, người quen…), hầu hết người Hàn Quốc sẽ trả lời bằng “tuổi Hàn Quốc”, có thể lớn hơn một hoặc thậm chí hai tuổi so với “tuổi quốc tế” của họ. Theo hệ thống này, trẻ sơ sinh được coi là một tuổi vào ngày chúng được sinh ra, và sẽ cộng thêm 1 tuổi mới vào ngày 1 tháng Giêng hàng năm.
Trong một số trường hợp, người Hàn Quốc cũng sử dụng “tuổi âm lịch” – một dạng kết hợp giữa tuổi quốc tế và tuổi Hàn Quốc – coi trẻ sơ sinh là 0 tuổi vào ngày chúng được sinh ra và thêm một năm tuổi vào ngày 1 tháng Giêng.
Lấy ca sĩ “Gangnam Style” - Psy làm ví dụ. Psy sinh ngày 31/12/1977, được tính là 44 tuổi theo tuổi quốc tế; 45 theo tuổi âm lịch; và 46 theo tuổi Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, cuộc sống hàng ngày thường xuyên chuyển đổi giữa các hệ thống tuổi khác nhau. Hầu hết người dân sử dụng tuổi Hàn Quốc trong cuộc sống hàng ngày và các tình huống xã hội, trong khi tuổi quốc tế thường được sử dụng nhiều hơn cho các vấn đề pháp lý và chính thức - chẳng hạn như khi xử lý các luật dân sự.
Tuy nhiên, một số luật - bao gồm cả những luật xung quanh độ tuổi hợp pháp để uống rượu, hút thuốc và nhập ngũ - sử dụng tuổi theo năm âm lịch.
Và điều luật mới đây được thông qua sẽ chuẩn hóa việc sử dụng tuổi quốc tế trên tất cả “các lĩnh vực tư pháp và hành chính”, theo trang web của Quốc hội và các tài liệu liên quan đến dự luật. “Các chính quyền địa phương sẽ khuyến khích công dân sử dụng 'tuổi quốc tế' của họ và tiến hành các hoạt động xúc tiến cần thiết cho việc đó”.
Quyết định này là kết quả từ nhiều năm vận động của các nhà lập pháp thấy “mệt mỏi” với 3 hệ thống tính tuổi.
“Việc sửa đổi nhằm mục đích giảm chi phí kinh tế xã hội không cần thiết vì các tranh chấp pháp lý và xã hội cũng như sự nhầm lẫn vẫn tồn tại do các cách tính tuổi khác nhau,” ông Yoo Sang-bum của Đảng Nhân dân cầm quyền nói với Quốc hội.
Một dự luật khác do nhà lập pháp Hwang Ju-hong đưa ra vào năm 2019 lập luận rằng ngoài việc gieo rắc sự nhầm lẫn, ba phương pháp còn gây ra xung đột vì “tạo ra văn hóa phân cấp dựa trên tuổi tác và người dân tìm cách tránh những tháng nhất định để sinh con”.