Tại Canada, lạm phát tăng gần 11% trên tất cả các mặt hàng thực phẩm bán lẻ tính đến tháng 9/2022. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, thiếu hụt lao động, giá năng lượng tăng và cuộc chiến Nga - Ukraine. Vào thời điểm Lễ Tạ ơn (10/10), giá cho mỗi kg gà tây tăng khoảng 16% so với thời điểm này năm ngoái. Giá khoai tây đắt hơn 22%, thịt xông khói, giăm bông và thịt gà đắt hơn khoảng 10%.
"Tôi chưa bao giờ thấy mức tăng như thế này trong suốt cuộc đời mình, tôi đã làm trong ngành thực phẩm từ 1983 và thực sự tôi chưa bao giờ thấy tình trạng giá cả kinh khủng như hiện nay," chủ sở hữu cửa hàng Winnipeg Food Fare, Munther Zeid chia sẻ.
Không chỉ riêng Canada mà cả Australia, giá thực phẩm đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong số các mặt hàng tiêu dùng. Theo cập nhật mới nhất của Cục Thống kê Úc, giá trái cây và rau quả tăng 18,6% trong tháng 8 so với một năm trước. Giá đồ ăn nhẹ và đồ uống không cồn đã tăng lên 9,3% trong 12 tháng tính đến tháng 8, với giá tăng trên hầu hết các loại thực phẩm. Giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, Úc đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao kỷ lục. Lạm phát hàng năm trong tháng 8 đã tăng lên 6,8% từ mức dưới 2% trước đại dịch.
Tại châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng đã chứng kiến sự thiếu hụt trầm trọng của những mặt hàng thiết yếu nhất như bánh mì và trứng gà.
Giá bánh mì đã tăng mạnh trên khắp châu Âu trong năm qua, với mức tăng đặc biệt mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, mức giá này cao hơn trung bình 18% vào tháng 8 so với một năm trước đó. Hungary là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - với giá bánh mì tăng 65,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Pháp, nổi tiếng với bánh mì baguette, vẫn đang giữ mức tăng nhẹ.
Tuy nhiên, Pháp lại đang phải vật lộn với giá trứng tăng cao gấp đôi, buộc các công ty sản xuất thực phẩm và nhà hàng phải thay đổi các công thức hoặc tạm ngừng sản xuất một số mặt hàng.
Tập đoàn Công nghiệp CNPO giải thích, sự thay đổi về giá cả một phần chịu tác động bởi biến động nguồn cung, khi sản lượng trứng thế giới, đạt 1.500 tỷ quả vào năm 2021, trong năm nay dự kiến sẽ sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử, sau khi Mỹ giảm 4,6%, EU giảm 3% và Pháp - nhà sản xuất trứng lớn nhất khối - giảm 8%.
Phó chủ tịch tập đoàn, ông Loic Coulombel chia sẻ: "Chúng tôi đang ở trong một tình huống chưa từng thấy trước đây. Trong những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chúng tôi thường chuyển sang nhập khẩu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, nhưng năm nay tình hình tồi tệ ở khắp mọi nơi trên thế giới.”
Sự sụt giảm diễn ra vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng đối với trứng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi chúng được coi là nguồn protein ngon-bổ-rẻ tại thời điểm giá cả tăng cao. Nhưng giá trứng tại các siêu thị ở Pháp cũng đã tăng khoảng 15% đến 20% kể từ đầu năm, theo luật tính giá thực phẩm trong siêu thị với giá thức ăn chăn nuôi của các nhà sản xuất.
"Giá trứng công nghiệp trên thị trường giao ngay của Pháp, cũng liên quan đến cung và cầu, được giao dịch ở mức 2,2 euro (2,2 USD) một kg, cao hơn gấp đôi so với giá hồi đầu năm và cao hơn khoảng 65% so với mức trung bình của thời điểm này trong năm", ông Coulombel giải thích.
Mặt hàng này vẫn sẽ có khả năng vượt qua mức kỷ lục 2,3 euro/kg vào cuối năm 2022 nhưng sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với giá giao ngay của Mỹ đối với trứng tiêu chuẩn, hiện ở mức 4,24 euro / kg.
Tây Ban Nha - vốn được mệnh danh là khu vườn của châu Âu là một trong những nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm hàng đầu của châu lục. Nhưng trong năm nay, ngay cả khả năng tự cung tự cấp tương đối của nước này cũng phải chịu áp lực lớn. Bên cạnh sự tác động bên ngoài như giá năng lượng tăng vọt 77%, chi phí phân bón tăng 36%, chi phí thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 47%, thì đồng thời, mùa hè nóng kỷ lục đã tàn phá mùa màng trong năm nay.
Cái nắng chói chang không chỉ làm khô các cánh đồng ở Tây Ban Nha mà còn gây ra một mùa cháy rừng lịch sử khiến diện tích đất bị thiêu rụi gấp ba lần so với mức trung bình, theo hiệp hội nông nghiệp Murcian, Proexport. Theo một hợp tác xã nông nghiệp hàng đầu ở khu vực Andalusia, năm nay, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha dự kiến sẽ giảm mạnh dưới mức trung bình 33%.
Trong khi đó, tổ chức tiêu dùng Tây Ban Nha FACUA đã cáo buộc các chuỗi siêu thị đang làm cho tình hình tồi tệ hơn bằng cách thao túng giá để tăng lợi nhuận riêng.
"Một doanh nghiệp đang lợi dụng tình hình. Họ thấy rằng vì tình hình lạm phát mà người tiêu dùng sẽ dự kiến việc giá cả tăng, nhưng thay vì tăng giá hợp lý như 2% hoặc 5%, thì họ lại cố tình tăng lên đến 10 %, 15% hoặc 80%,” Tổng thư ký của tổ chức Ruben Sanchez nói với đài truyền hình TVE.
Ông này nói thêm: "Đó không phải là một cuộc cạnh tranh trên thị trường tự do, mà là sự tự do đẩy người dân vào cảnh nghèo đói."
Dự báo thương mại thế giới tiếp tục chậm lại
Bên cạnh đó, thương mại thế giới dự kiến sẽ mất đà trong nửa cuối năm 2022 và tiếp tục giảm vào năm 2023 do nhiều cú sốc đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế của WTO hiện dự đoán khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 3,5% trong năm 2022 - tốt hơn một chút so với dự báo 3,0% vào tháng 4. Tuy nhiên, đối với năm 2023, họ dự đoán mức tăng chỉ rơi vào khoảng 1,0% - khá chênh lệch so với ước tính trước đó là 3,4%.
Nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ giảm khi tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn vì những lý do khác nhau. Ở châu Âu, giá năng lượng cao xuất phát từ cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình và tăng chi phí sản xuất. Tại Hoa Kỳ, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu nhạy cảm với lãi suất trong các lĩnh vực như nhà ở, xe có động cơ và đầu tư cố định.
Trung Quốc tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 và gián đoạn sản xuất cùng với nhu cầu bên ngoài yếu. Cuối cùng, hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và phân bón ngày càng tăng có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và nợ nần ở các nước đang phát triển.
Dự báo mới của WTO ước tính GDP thế giới theo tỷ giá hối đoái thị trường sẽ tăng 2,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023 - thấp hơn 1,0 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Khuyến nghị từ IMF
Theo IMF, hành động chính sách mạnh mẽ và nhanh chóng là điều cần thiết trên bốn lĩnh vực để giảm thiểu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thứ nhất, hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ những đối tượng dễ bị tổn thương thông qua hỗ trợ nhân đạo từ Chương trình Lương thực Thế giới và các tổ chức khác, cùng với các biện pháp tài khóa hiệu quả trong nước. Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới nên ưu tiên chống lạm phát và bảo vệ những người dân để giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Thứ hai, duy trì thương mại mở, bao gồm cả trong các khu vực, để cho phép thực phẩm được chuyển từ các khu vực dư thừa đến những người có nhu cầu.
Thứ ba, tăng sản lượng lương thực và cải thiện phân phối, bao gồm thông qua việc đảm bảo tiếp cận đầy đủ với phân bón và đa dạng hóa cây trồng. Tăng cường tài trợ thương mại và củng cố chuỗi cung ứng là rất quan trọng để giải quyết cú sốc giá lương thực hiện nay.
Thứ tư, đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu sẽ rất quan trọng để tăng thu hoạch trong tương lai. Các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hơn và khó lường hơn đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực. Các giải pháp cần được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh quốc gia, tập trung vào các biện pháp chi phí thấp, có tác động cao, chẳng hạn như đầu tư vào các giống cây trồng mới, cải thiện quản lý nước và phổ biến thông tin.