Một góc làng Việt kiều Châu Âu (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền
Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ tháng 7-2015 đã mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam, trong đó có kiều bào, được sở hữu nhà; góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kích thích nền kinh tế phát triển, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
“Nguyên nhân có nhiều, nhưng trở ngại chủ yếu vẫn là do vướng mắc về thủ tục, hồ sơ…
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hồi trung tuần tháng 11-2017, đa số ý kiến đánh giá, so với quy định trước đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã mở thêm lối ra cho thị trường bất động sản, với khung pháp lý cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam khá hoàn thiện. Đối tượng mua nhà ở được mở rộng. Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, là được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Loại nhà ở được sở hữu cũng mở rộng, từ căn hộ chung cư đến nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Thời gian sở hữu nhà ở tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì không được gia hạn như quy định cũ...
Được đánh giá là thông thoáng hơn, song cho đến nay số lượng người nước ngoài và kiều bào về nước mua nhà ở chưa được như kỳ vọng. Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến cuối năm 2016, mới chỉ có hơn 700 người nước ngoài mua và được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo ông Hưng, việc cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam là một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, chủ trương này vẫn gặp phải một số vướng mắc nhất định về thủ tục, hồ sơ… do đó, sức mua chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội phân tích, thị trường bất động sản trong khu vực như Thái Lan, Philippines đã mở cửa cho người nước ngoài khá lâu, mức độ phát triển của họ về kinh tế cũng như bất động sản đã đi trước Việt Nam. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài khi quan tâm đến bất động sản sẽ có sự so sánh giữa thị trường Việt Nam với các quốc gia khác về mức độ phát triển sản phẩm, vị trí địa lý, hoạt động đầu tư... có dễ dàng hay không.
Theo bà Liễu Nguyễn, đại diện Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam, lượng kiều hối ở Việt Nam khá cao, người Việt tại Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà. Tuy nhiên, quy định về tài chính và sở hữu đã gây nhiều khó khăn, nên nhờ người thân trong nước đứng tên sở hữu hộ tài sản của mình là cách nhiều người áp dụng. Đồng quan điểm, ông Chow Chee Fan, Giám đốc điều hành Công ty Gamuda Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Singapore, Mỹ… quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng vẫn còn e ngại vì hiện nay quy định về sở hữu nhà đất ở Việt Nam chưa rõ ràng, chặt chẽ. So với Việt Nam, một số nước trong khu vực có Luật Sở hữu nhà ở dễ thực thi hơn nhiều.
Thực tế cho thấy, số lượng kiều bào đứng tên mua nhà ở tại Việt Nam vẫn còn rất ít do Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi giới hạn số lượng nhà kiều bào được quyền sở hữu. Mặt khác, kiều bào ít người có 100% tiền mặt khi mua nhà, mà phải vay ngân hàng. Nếu muốn vay ngân hàng nước ngoài thì phải chứng minh được quyền sở hữu, nhưng ở Việt Nam người dân chỉ có quyền sử dụng đất, nên cũng gây khó khăn cho kiều bào tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Ngoài ra, vẫn còn không ít vướng mắc về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ tổ chức tín dụng nước ngoài vào Việt Nam, hoặc thủ tục vay của những chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam để mua nhà ở...
Rõ ràng, để đưa quy định cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam vào cuộc sống, thu hút hơn nữa nguồn vốn bên ngoài cho thị trường bất động sản trong nước thì cần phải có chính sách thông thoáng hơn nữa, nhiều biện pháp hỗ trợ, cùng sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.