Nhiều ca khúc của ông đã được lan tỏa trong cộng đồng yêu nhạc, vượt qua thử thách của thời gian để đọng lại thật lâu trong lòng những người đã “chót” yêu nhạc của ông.
Hơn 30 năm trước, không biết ca sĩ nào là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Chiều nắng” của Nguyễn Đình San? Chỉ biết rằng khi NSND Thu Hiền với chất giọng ngọt ngào, đượm buồn vừa cất lên: “Không có mây để nhớ. Không có mưa để buồn. Chiều chia tay rất nắng. Nón em chừng nghiêng hơn..”., người nghe bỗng lặng đi. Một giai điệu thấm đẫm chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ, lại loáng thoáng pha thêm chút Nam Bộ chảy tràn qua những lời ca thủ thỉ, tự sự, sẻ chia, hờn trách và chịu đựng. Tôi vẫn còn nhớ cái nhíu mày thảng thốt, ánh mắt dỗi hờn, tiếc nuối của ca sĩ Thu Hiền khi chị hát “Thôi, anh đừng nói làm gì, em buồn cười lắm ấy. Cái thời hoa gạo cháy, xa mãi rồi anh ơi. Dòng sông vẫn êm trôi, bến bờ không đến được…”.
Mấy chục năm nối tiếp, Thanh Hoa, Tân Nhàn, Trọng Tấn, Nguyệt Anh, Hoàng Anh…và rất nhiều các ca sĩ tiếp tục hát “Chiều nắng” với những phong cách và “màu sắc” khác nhau. Riêng bài hát do Thu Hiền thể hiện cứ ám ảnh tôi mãi. Khi vui lẫn lúc buồn, xuân qua, hạ về và nhất là khi thu sang, lá vàng xao xác rơi vào chiều hoàng hôn cháy đỏ… trong lòng tôi cứ ngân nga “Cái bóng cây chẳng tròn. Nắng về anh tất cả. Conđường thưa thớt lá. Chói chang chiều ta đi…”. Có lẽ vì bài hát viết về đàn bà, dành cho đàn bà và nhạc sỹ hiểu thấu tâm can vui buồn của phụ nữ nên mới tạo ra những “độ rung” sâu sắc và bền lâu đến thế. Cũng có thể, Nguyễn Đình San – trong vai một nhạc sĩ lang thang, lại khoác thêm danh xưng là tiến sĩ tâm lý, nhà văn, nhà báo - nhiều năm gác chuyên mục Tâm giao trên báo Phụ nữ Thủ Đô nên riêng về góc độ hiểu và thương phụ nữ, ông đã đạt đến độ “cảnh giới cao”!
Ông là người chịu đi, viết nhiều, viết khỏe. Đặc điểm rõ thấy nhất trong các tác phẩm của ông là tình yêu dành cho những vùng đất mà ông đã đến, những con người – đặc biệt là phụ nữ mà ông đã gặp. Tâm hồn mong manh, nhạy cảm của ông rất dễ bị cái đẹp đánh gục – khi ấy, những giai điệu mà đa số là mang âm hưởng của vùng đất đó lại vang lên. “Thương về Hà Tĩnh” (thơ Nguyễn Thế Hùng) đã ra đời trong một chuyến đi chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” mà khiến bao người cảm động, đặc biệt là những người con quê Hà Tĩnh. Hay như “Một thoáng Đắc Nông” (cũng phổ thơ của Nguyễn Thế Hùng) đậm chất liệu Tây Nguyên rộn ràng, có những đoạn cao trào đổ ào như thác: “ĐắcNông ơi. Đá cũng chỉ là đá, nếu không có tình người Đắc Nông. Thác cũng chỉ là thác, nếu không là tình yêu. Đrây sáp. Đrây sáp. Thét gào dòng thác”, rồi khi cảm xúc lắng lại, sẽ là một vòng tay ôm dịu dàng của người chồng người vợ thương nhau, hóa đá cho một tình yêu bất tử.
Trong số những ca sĩ thể hiện thành công các ca khúc của Nguyễn Đình San, không thể không nói đến Vô Thanh – cô con gái đầu của ông với người vợ trước, hiện đang công tác tại Nhà hát Đài TNVN. Mặc dù là nhạc công của dàn nhạc dân tộc nhưng cô lại có giọng hát trời cho và thể hiện rất hay những ca khúc do cha mình sáng tác. Ấn tượng nhất với tôi là ca khúc “Nàng gió nương”. Tôi nghe ca khúc này trong căn phòng nhỏ mà ngỡ như được về giữa thiên nhiên trải dài, phóng khoáng. Giai điệu mượt mà bay lượn, đượm nồng mùi thơm của lúa, của cỏ cây, có những thửa ruộng bậc thang uốn mình quanh sườn núi. Chất giọng đặc biệt mềm mại và trữ tình của Vô Thanh khi thể hiện bài hát này như thôi thúc người nghe lên đường, cùng đi tìm “nàng gió nương” mà hương sắc đã hòa tan vào hình hài những cô sơn nữ. “Anh đi gặt trên nương. Gió ơi! Em đến quạt cho anh. Em rắc mưa phấn lên trời. Em đưa hương lúa thơm, tắm mát anh tuyệt vời…Ơi nàng gió, gió nương. Rồi anh sẽ cất lời ru hát. Lời của hương hay lời của hoa. Lời của cây hay lời của lá. Lời ngọt ngào của đàn ong mật mà em mang về từ cánh rừng xa”.
Tôi hỏi Nguyễn Đình San: “Cái khó nhất khi sáng tác một ca khúc là gì?”. Ông trầm ngâm: “Khó nhất là sáng tạo giai điệu. Giai điệu phải độc đáo - mới lạ thì càng tốt - và nhất là phải có hình tượng phong phú, giàu sức biểu hiện”. - “Tôi thấy các ca khúc của anh “Trên dòng sông Lai Hạ”, “Đưa anh về bản”, “Chiều ngược”, “Nàng gió nương”… và gần đây là “Khúc ru lúc lên đường”, “Nhớ quê”, “Chiều mưa”…đều là những giai điệu đậm chất liệu dân ca Việt Nam ở những vùng miền khác nhau. Những chất liệu dân gian ấy đã “nhập” vào anh thế nào?” – “Là một người nhạc sĩ và nhà lý luận, phê bình âm nhạc, tôi rất thích nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc ở các vùng miền. Tôi yêu đất nước mình, yêu cả chủ nghĩa xê dịch như Tản Đà, Nguyễn Tuân vẫn chủ trương. Càng đi, tôi càng thấy quê hương mình đẹp, mỗi vùng đều có những nét văn hóa đặc sắc. Tôi cũng có tham vọng là gói gọn chúng trong những ca khúc mà mỗi khi cất lời hát, người ta có cảm giác như vùng đất đó đang trải ra trước mắt, rung động đến tuyệt vời”.
Tôi chợt nghĩ đến nhà văn Ai-ma-tốp của Kirghixtan. Trong lời mở đầu của cuốn sách “Giamilia – núi đồi vào thảo nguyên”, ông có viết : “Hồ I-xức-cun bày ra trước mắt ta, như chén đầy trong ngày đại tiệc”. Chỉ vài lời văn mà đã thấy được cả vùng đất rộng lớn bày ra trước mắt. Đó là cái tài của người viết. Cũng như khi tôi nghe nhạc Nguyễn Đình San, “Nàng gió nương” có âm hưởng của khèn lá rộn ràng, cả một khung cảnh nắng gió mềm như dải lụa bay trên mùa vàng, bay trên những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc khoáng đạt. Khi nghe “Chiều nắng”, tôi như nghe được cả tiếng mái chèo khua nhịp nhàng trên dòng sông quan họ, mặc dù giai điệu cũng như ca từ của bài hát không có câu nào là của “liền anh liền chị”. Trí tưởng tượng cứ dẫn về vùng đất bên những con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống chở nặng phù sa như thế. Còn khi nghe ca khúc “Như cánh chim không mỏi” của Nguyễn Đình San, có cảm giác rất có thể ai đó sẽ bước vào cơn mộng du, dạo chơi từ Bắc đến Nam với sự đảo chiều rất nhanh của văn hóa vùng miền.
Một điều không thể không ghi nhận ở các ca khúc của Nguyễn Đình San là ông rất dụng công làm ca từ. Lời của ông trong mọi bài đều “đắt”, không dễ dãi, khiến ca sỹ rất hứng thú khi thể hiện.
Trong các tác phẩm của Nguyễn Đình San luôn thấp thoáng bóng những người con gái. Ông tự “thú nhận” ở nhiều ca khúc, rằng với những người con gái khiến trái tim rung động, anh luôn là kẻ đến sau, kẻ đi ngược chiều, ngược tình nên cứ lang thang mê mải kiếm tìm. Trong đời thực, ông cũng tự “thú nhận” rằng đã dừng chân bên người vợ thứ hai, kém anh tới 30 tuổi - một cô giáo dạy văn cho anh rất nhiều cảm xúc, tình yêu và sự tin cậy.
Ở tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi, vui với con cháu, vườn tược, Nguyễn Đình San – vì đam mê vẫn tiếp tục tìm cảm hứng sáng tác. Như thể ông miệt mài “vo tròn” những viên ngọc quý, bày ra với thiên hạ - ai muốn thì cứ việc lấy đi.
“Tuổi thọ của một tác phẩm âm nhạc nói chung, một ca khúc nói riêng, không phụ thuộc ở ý muốn chủ quan của người sản sinh ra nó. Sức sống lâu bền hay quá ngắn ngủi của nó phải ở giá trị tự thân của tác phẩm. Ca khúc có thể có sức sống vĩnh cửu trong khi hậu thế chẳng thể nhớ tác giả của nó là ai. Chính lúc đó người nhạc sĩ mới thực sự có vai trò trong đời sống âm nhạc của quần chúng”.
(Nhạc sĩ Nguyễn Đình San)