Nhiều thuốc giả bán ngang nhiên, Cục Quản lý Dược chỉ đạo kiểm tra hoạt động kinh doanh

Cục Quản lý Dược vừa có công văn thông báo về việc phát hiện một số lô thuốc giả, không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường...

Bên cạnh việc cảnh báo về việc phát hiện thuốc giả, Cục Quản lý Dược đồng thời đề nghị lực lượng Y tế các tỉnh, thành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn.

Cụ thể, trong công văn gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý Dược cho biết đơn vị nhận được một số thông tin liên quan đến thuốc giả, nghi ngờ giả từ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, cùng Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam; Công ty TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội, Văn phòng đại diện Les Kaboratoires Servier tại Hà Nội về việc phát hiện một số lô thuốc giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc có thông tin ghi trên nhãn.

Thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giả, Cục Quản lý Dược chỉ đạo kiểm tra hoạt động kinh doanh
Thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giả, Cục Quản lý Dược chỉ đạo kiểm tra hoạt động kinh doanh

Cục Quản lý Dược thông tin, các thuốc nghi ngờ giả ở một số lô gồm: Nexium 40mg, Enterik Kapli Pellet Tablet, AstraZeneca, Tetracyclin Tw3 250mg, Clorocid Tw3 250mg, TobraDex, Diamicron MR 30mg.

Từ thông tin trên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không kinh doanh, phân phối và sử dụng các sản phẩm được liệt kê có các đặc điểm để phân biệt nêu trên, báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện lô thuốc trên.

Đặc biệt, Cục Quản lý Dược chỉ đạo ngành Y tế tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tập trung việc kiểm tra đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên. Đồng thời tiếp nhận và xác minh thông tin; báo cáo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên nếu phát hiện trên địa bàn. Khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc nêu trên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm có thông tin như trên cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc truy tìm nguồn gốc đối với các sản phẩm.

Liên quan đến thuốc giả, tại Hà Nội mới đây Đội Quản lý thị trường số 1 cùng Đội Quản lý thị trường số 22 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên phố Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh hàng nghìn tuýp thuốc trị bệnh trĩ nhãn có chữ Mr.daflon, loại 15g/tuýp. Toàn bộ số hàng hóa được phát hiện là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Đặc biệt, khi kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Có thể bạn quan tâm