Theo đó, NHNN giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc chủ trì, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhiệm vụ bao gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu.
Thứ năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lí cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến tín dụng đen.
Thứ bảy, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến tín dụng đen.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các vụ, cục, các đơn vị liên quan cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến tín dụng đen.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền các chính sách tài chính, hỗ trợ thành viên vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.
Mới đây, tại hội thảo liên quan đến hoạt động tín dụng đen do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tổ chức đã đưa ra đánh giá về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp gây hoang mang, lo lắng trong dân.
Những đối tượng cho vay thường lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng.
Tín dụng đen thường là các hình thức cho vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700% /năm).
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng tín dụng đen, nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy lớn trong xã hội.
>> Khi tín dụng ngân hàng lãi cao như tín dụng đen: Sai từ luật thì phải sửa