Những nhiệm vụ mới chờ đón tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải

Ngành giao thông vận tải đang và sẽ phải là đòn bẩy để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển hạ tầng giao thông. Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, vì thế, phải gánh trách nhiệm quan trọng là xây dựng chính sách điều hành cách linh hoạt để tháo gỡ những vấn đề tồn đọng.

Ông Nguyễn Văn Thắng nhậm chức trong bối cảnh ngành GTVT đang gặp nhiều vướng mắc trong nhiều mảng hoạt động đặc biệt là mảng đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.

Riêng về giải ngân đầu tư công, 9 tháng, ngành giao thông mới chỉ giải ngân hơn 27.000 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch năm 2022. Trong khi đó, Ngân sách nhà nước tới đây chỉ được dùng cho những những dự án trọng điểm, có tính đột phá. 

Hiện, vấn đề lớn của ngành giao thông chính là làm thế nào để hút vốn từ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa nguồn vốn. Trong vòng 3 năm tới, sẽ có hàng loạt dự án giao thông trọng điểm vẫn cần khởi công và hoàn thành như tuyến Metro số 1, số 2, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Đường Vành đai 2, 3, 4 (Hà Nội), cầu Thủ Thiêm 4, sân bay Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội... Đây sẽ là thời điểm cần dấu ấn điều hành của ông Thắng để khơi thông và đa dạng dòng vốn đầu tư. 

5 năm vừa qua, dưới thời nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngành giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như triển khai cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, quy mô xây dựng 654 km cao tốc, tổng mức đầu tư hơn 97.660 tỷ đồng, chia thành 11 dự án thành phần. Tuy nhiên, dự án được triển khai trong bối cảnh câu chuyện về vốn BT, BOT đang khiến doanh nghiệp không mặn mà. Vì thế, Tân Bộ trưởng Bộ GTVT phải chủ động kêu gọi vốn hoặc chủ động tham mưu các cơ chế thu hút vốn để nhà đầu tư tiếp cận, triển khai quy hoạch.

Trả lời về trách nhiệm trên cương vị mới, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, kinh nghiệm công tác 22 năm trong ngành ngân hàng cho thấy nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do vậy trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế thì nên sử dụng ngân sách làm vốn mồi và cần có giải pháp thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng.

Đánh giá cao về hình thức PPP, Tân Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp làm thế nào để thu hút nguồn lực ngoài xã hội đưa vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết sẽ soát lại các dự án BOT trong thời gian vừa qua. Từ đó, một mặt xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các dự án, đưa ra chính sách, giải pháp để tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội cũng như các nguồn vốn khác.

Hiện, 3 dự án trọng điểm được đầu tư theo hình thức PPP là Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt do đã tìm được cách thu hút doanh nghiệp bàn giao quỹ đất sạch, khơi thông điểm nghẽn dòng vốn. 

Hai dự án không có nhà đầu tư là quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã được Bộ đề xuất chuyển sang đầu tư công và chỉ khởi công chậm khoảng 10 tháng so với các dự án đã thực hiện.

Đến nay, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn(Ninh Bình) đã hoàn thành, 4 dự án đầu tư công là Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến xong cuối năm nay.

6 dự án còn lại là cầu Mỹ Thuận 2, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành vào năm 2023 theo kế hoạch. Sau khi các dự án hoàn thành, cao tốc Bắc Nam sẽ dài khoảng 1.300 km.

Đến nay, Bộ GTVT đã lập quy hoạch, báo cáo tiền khả thi và đang tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng 12 dự án cao tốc phía đông giai đoạn 2021-2025.

Dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT cũng đã đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động, khai thác cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi bị đình trệ nhiều năm. 

Siêu dự án Sân bay Long Thành cũng được triển khai theo tiến độ, các dự án sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều hoàn thiện trong điều kiện vừa sửa vừa hoạt động.

Về quy hoạch ngành, Bộ GTVT đã hoàn thành 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy, sớm hơn so với yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, suốt nhiều năm qua ngành giao thông luôn đứng đầu về giải ngân đầu tư công - nhiệm vụ chính trị trong 2 năm dịch Covid - 19.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình chưa hoàn thành bao gồm dự án Cao tốc Bắc Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) chưa được nối thông, 8 dự án BOT gặp vướng mắc chưa được xử lý.... Đây sẽ là những thách thức và nhiệm vụ mới mà Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cần hoàn thành trong 5 năm nhiệm kỳ của mình. 

Có thể bạn quan tâm