Đóng góp không nhỏ vào mức tăng đó là các nhóm hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 4,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,65 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,44 tỷ USD.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tháng 6/2017 đạt gần 3,34 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2017 đạt 18,27 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 54 nhóm hàng.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hàn Quốc với kim ngạch 6,18 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 33,85 trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 5,33 tỷ USD, tăng 26,1%, chiếm tỷ trọng 29,2%; thị trường Nhật Bản với 2,12 tỷ USD, tăng 2,1%, chiếm tỷ trọng 11,6%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Đạt kim ngạch nhập khẩu trong tháng là 2,88 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 6 tháng/2017 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 28,9% so với tháng trước.
Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hàn Quốc đạt trị giá 6,04 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 37,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; Trung Quốc đạt trị giá 3,23 tỷ USD, tăng 27,1%, chiếm tỷ trọng 19,8%; Đài Loan với 1,7 tỷ USD, tăng 23%, chiếm tỷ trọng 10,4%;…
Điện thoại các loại và linh kiện: Đạt kim ngạch nhập khẩu trong tháng là 1,13 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 6 tháng/2017 đạt 6,24 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng/2017 nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường: Trung Quốc với 3,25 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc với 2,29 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước;…
Nhóm hàng nguyên phụ liệu (bao gồm: bông, xơ sợi dệt các loại, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu trong tháng 6/2017 đạt 1,85 tỷ USD, giảm 10,9% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu 6 tháng/2017 đạt 10,33 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 10,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong đó:
- Vải các loại là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 5,49 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy được nhập về với trị giá 2,73 tỷ USD, tăng 8,7%; bông các loại đạt trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 54,5%; xơ, sợi dệt các lại đạt trị giá 879 triệu USD, tăng 16,5%.
- Các thị trường cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu cho Việt Nam trong 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 4,36 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc với kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 4,7%; Đài Loan với kim ngạch 1,19 tỷ USD, tăng 11,5%;
Sắt thép các loại: Kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 6/2017 đạt gần 1,1 triệu tấn, trị giá 649 triệu USD; giảm 10,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng sắt thép nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 7,91 triệu tấn, trị giá 4,61 tỷ USD, giảm 17,3% về lượng, tuy nhiên tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Trung Quốc với 3,95 triệu tấn, trị giá 2,23 tỷ USD, giảm 23,8% về lượng, tuy nhiên tăng 12,3% về trị giá, đơn giá bình quân đạt 564 USD/tấn; thị trường Nhật Bản cung cấp 1,07 triệu tấn, trị giá 646 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và tăng 19,4% về trị giá;
Sắt thép các loại có xuất xứ Ấn Độ nhập về Việt Nam 6 tháng/2017 đang có mức tăng đột biến, tăng 20,3 lần về lượng và 13,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượng sắt thép xuất xứ Ấn Độ là 812 nghìn tấn, trị giá 422 triệu USD, với đơn giá khai báo bình quân là 519 USD/ tấn thấp nhất trong các thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam.
Hạt điều: Nhập khẩu hạt điều trong tháng 6/2017 đạt 254 nghìn tấn, trị giá 475 triệu USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 63% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu 6 tháng/2017 đạt 681 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 68,9% về lượng và tăng 117,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp hạt điều cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Bờ Biển Ngà với 195 nghìn tấn, trị giá 370 triệu USD; tăng 35% về lượng và 74,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; Nigiêria với 113 nghìn tấn trị giá 198 triệu USD, tăng 73,4% về lượng và 124,5% về trị giá; Tanzania với 101 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD, tăng 197% về lượng và 285,9% về trị giá; Campuchia với 88 nghìn tấn, trị giá 174 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và 56,1% về trị giá.
Ô tô nguyên chiếc các loại: Trong tháng 6/2017 cả nước nhập khẩu 7,8 nghìn ô tô nguyên chiếc các loại trị giá 171 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và 20,7% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng xe ô tô nguyên chiếc các loai nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 51 nghìn chiếc, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng, giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,
- Ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 26,6 nghìn chiếc, trị giá 449 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cung cấp ô tô dưới 9 chỗ ngồi cho Việt nam chủ yếu gồm:
+ Lớn nhất là thị trường Indonesia với 8,9 nghìn chiếc, trị giá 171 triệu USD, tăng 66 lần về lượng và 103 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 19,3 nghìn USD/chiếc; thị trường Thái Lan đứng thứ 2 với 6,6 nghìn chiếc, trị giá 105 triệu USD, tăng 84,1% về lượng và 157,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 15,8 nghìn USD/chiếc.
+ Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Ấn Độ đạt 5 nghìn chiếc trị giá 21 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 4,2 nghìn chiếc.
- Xe ô tô trên 9 chỗ ngồi là 338 chiếc, trị giá 10 triệu USD; giảm 31% về lượng và 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản với 190 chiêc trị giá 5 triệu USD;
- Xe ô tô tải là 19,2 nghìn chiếc trị giá 379 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và 17,2% về trị giá. Xe ô tô tải chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 12,5 nghìn chiếc, tăng 9%; Hàn Quốc là 2,7 nghìn chiếc, Trung Quốc là 1,9 nghìn chiếc.
Xăng dầu các loại: Trong tháng cả nước nhập khẩu 1,37 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 643 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa lượng nhập khẩu xăng dầu các loại 6 tháng/2017 đạt 6,41 triệu tấn, trị giá 3,32 tỷ USD, tămg 0,3% về lượng, và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam 6 tháng/2017 chủ yếu gồm: Singapore với 2,69 triệu tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 6,5% về lượng và 37,4% về trị giá; Hàn Quốc với 1,45 triệu tấn, trị giá 875 triệu USD, tăng 76,7% về lượng và 108,6% về trị giá; Malaysia với 1,25 triệu tấn, trị giá 567 triệu USD, giảm 33,2% về lượng và 19,8% về trị giá.