Những “ông chủ” dự án The Diamond Park Mê Linh

Dự án The Diamond Park vừa bị Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn VIDEC. Qua tìm hiểu cho thấy những cổ đông sáng lập nên VIDEC đều đã từng nắm giữ những vị
Những “ông chủ” dự án The Diamond Park Mê Linh

Mục tiêu và thực tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh, do trước đó nhiều cơ quan báo chí thông tin về việc chủ đầu tư dự án đã “cắt xén” nhà ở xã hội để xây biệt thự, nhà liền kề.

Về dự án này, ngày 11/7/2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 2365/QĐ-UBND về quy hoạch chi tiết 1/500 dự án The Diamond Park. Theo đó tên dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Quy mô dự án khoảng 144.490m2, trong đó đất nhà ở với diện tích 50.005,5m2 gồm: đất ở biệt thự khoảng 21.634m2, đất xây dựng nhà ở liền kề khoảng 13.824,5m2, đất xây dựng nhà ở chung cư khoảng 14.546m2 (để xây dựng nhà ở thu nhập thấp).

Tiếp đó, ngày 29/7/2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Quyết định số 2708/QĐ-UBND về việc Cho phép đầu tư Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp quy định: Tên dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp có diện tích là hơn 14ha; Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư – Thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP tập đoàn Videc). 

Một nội dung quan trọng của văn bản trên là quy định rõ về mục tiêu chung của dự án. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu cho dự án là: “Góp phần phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp, thúc đẩy quá trình yên tâm công tác, cống hiến cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Mê Linh nói chung. Hình thành khu nhà ở cho người thu nhập thấp hiện đại, khang trang đồng bộ về hạ tầng…”. Đây có lẽ là mục tiêu, định hướng lớn của tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới cho dự án trong giai đoạn đó.

Dự kiến, dự án được thực hiện theo 02 giai đoan. Giai đoạn 1 gồm lập, thẩm định thiết kế, giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thực hiện từ năm 2008-2010. Giai đoạn 2, xây dựng các công trình công cộng và các dự án thành phần trong dự án, thực hiện từ năm 2010-2014.

Đến ngày 15/3/2017, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1739/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án.

Lúc này quy mô dự án được điều chỉnh thành 167.691m2. Trong đó đất nhóm nhà ở 76.404m2 gồm: đất nhờ ở liền kề khoảng 22.688m2, đất biệt thự khoảng 27.686m2, đất nhà ở chung cư khoảng 17.015m2 (dành để xây dựng nhà ở xã hội).

Như vậy, có thể thấy mục tiêu chung ban đầu thiết lập của dự án là “Góp phần phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp, thúc đẩy quá trình yên tâm công tác, cống hiến cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Mê Linh nói chung”, tuy nhiên đến nay thực tế dành diện tích để xây dựng nhà ở xã hội cũng chỉ là 17.015m2, tương đương khoảng 22% diện tích đất ở. Trong khi đó đất ở liền kề 22.688m2, tương đương khoảng gần 27% diện tích đất ở; còn diện tích đất biệt thự là 27.686m2 cũng tương đương 35,5% diện tích đất ở.

Đó là câu chuyện mục tiêu và thực tế quy hoạch tại dự án The Diamond Park Mê Linh.

“Ẩn” sau dự án

Tập đoàn VIDEC được thành lập năm 2003. Sự hình thành và phát triển của Tập đoàn VIDEC cho tới nay mang dấu ấn đậm nét của các ông Trần Đức Huế (SN 1975), Ngô Vĩnh Khương (SN 1974) và Đỗ Quang Khuê (SN 1978). Đây là 03 cá nhân đã góp vốn thành lập doanh nghiệp này.

Tháng 2/2018, doanh nghiệp này đã đăng ký nâng mức vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Trong đó, riêng cá nhân ông Trần Đức Huế đăng ký góp 400 tỷ đồng, nắm giữ 80% vốn điều lệ; ông Đỗ Quang Khuê góp 50 tỷ đồng, nắm giữ 10% vốn điều lệ; cá nhân ông Ngô Vĩnh Khương đã thoái vốn tại doanh nghiệp này (không còn thể hiện nắm giữ cổ phần).

Đây là các cá nhân đã và đang nắm những vị trí quan trọng của các doanh nghiệp lớn là COMA 18 và SUDICO. Trong đó, ông Trần Đức Huế đã từng làm Chủ tịch HĐQT COMA18, tuy nhiên kể từ ngày 1/2/2018 ông đã thôi vị trí này.

Ông Đỗ Quang Khuê hiện đang là thành viên HĐQT COMA18 và giữ chức Tổng Giám đốc.

Còn ông Ngô Vĩnh Khương đã từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) cho đến ngày 04/10/2013.

Tìm hiểu của phóng viên, ông Ngô Vĩnh Khương đăng ký hộ khẩu thường trú tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội; Ông Đỗ Quang Khuê đăng ký tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; ông Trần Đức Huế đăng ký tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Một lưu ý khác, vào năm 2016 Tập đoàn VIDEC cũng cùng Công ty CP xây dựng hạ tầng sông Đà và Công ty CP khảo sát và xây dựng góp vốn để thành lập Công ty CP đầu tư phát triển nhà số 5 Lạc Long Quân.

Trong đó, đăng ký tới tháng 12/2017, Tập đoàn VIDEC đăng ký góp 29,25 tỷ đồng nắm giữ 58,5% vốn điều lệ; Công ty CP khảo sát và xây dựng góp 20 tỷ đồng nắm giữ 40% vốn điều lệ; Công ty CP xây dựng Hạ tầng sông Đà đã thoái vốn mặc dù trước đó đã từng nắm giữ 30% vốn điều lệ.

Ngoài dự án The Diamond Park, tại Hà Nội Tập đoàn VIDEC còn làm chủ đầu tư của các dự án: VIDEC Complex (Tòa A, Tòa B và Star Tower) tại 283 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Quy mô dự án 1ha, tổng số 650 căn, dân số khoảng 2.200 người.

Dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ – Riverside Garden tại số 349 phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (Địa chỉ cũ: số 45A, ngõ 35 phố Khương Hạ, phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Quy mô dự án: 8.873 m2; số lượng căn hộ 650 căn; dân số khoảng 2.200 người.

Dự án Tây Hồ Skyline (Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ và nhà ở để bán) – Số 5 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dự án Galaxy Tower – xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (mặt đường Nguyễn Xiển), quy mô xấp xỉ 3000 m2.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…