Nợ phải trả gấp 12 lần vốn chủ sở hữu, công ty của đại gia Đỗ Huy Hoàng đang thế chấp những gì?

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng) nổi tiếng là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công các dự án giao thông và xây dựng công cộng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của họ hiện tại đang thu hút sự chú ý từ nhiều phía.

Nợ phải trả gấp 12 lần vốn chủ sở hữu, công ty của đại gia Đỗ Huy Hoàng đang thế chấp những gì?

Như Thương gia đã đưa tin, Công ty Huy Hoàng đang đối mặt với tình trạng tài chính đáng báo động, khi nợ phải trả vượt xa vốn chủ sở hữu gấp 12 lần và có những năm thậm chí lên đến 25 lần. Chưa dừng ở đó, doanh nghiệp này còn liên tục cầm cố hàng loạt dự án vào ngân hàng ngay khi vừa trúng thầu...

HỢP ĐỒNG CẦM CHƯA NÓNG TAY ĐÃ ĐI THẾ CHẤP

Trong bức tranh tài chính phức tạp những năm qua, Huy Hoàng nổi lên như một khách hàng VIP của nhiều ngân hàng danh tiếng. Tuy nhiên, sự chú ý lại đổ dồn vào sự hợp tác đặc biệt giữa Huy Hoàng và một ngân hàng thương mại cổ phần lớn đứng trong top 5 của Việt Nam. Từ năm 2020, giữa cơn bão đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, ngân hàng này đã trở thành một trong những vị cứu tinh giúp Huy Hoàng vượt qua mọi sóng gió bằng cách nhận thế chấp hàng loạt dự án của công ty.

Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác với các ngân hàng lớn, Công ty Huy Hoàng còn khiến dư luận xôn xao khi gần như toàn bộ các hợp đồng ký kết đều được thế chấp cho ngân hàng ngay lập tức. Chưa kịp cầm nóng tay thì những hợp đồng này đã nằm trong ngân hàng. Điều này đã dấy lên vô số câu hỏi về chiến lược kinh doanh và việc thế chấp của doanh nghiệp. Những bí mật ẩn sau bức màn này đang chờ được khám phá...

Để làm rõ hơn thực tế này, Thương gia đã cất công tìm hiểu và thấy rằng, từ đầu năm 2024 tới nay, tài sản của Công ty Huy Hoàng đã bị thế chấp hai lần.

Động thái nàyđược Huy Hoàng thực hiện đều đặn ở cả những năm trước nữa. Điển hình như năm 2022, khoảng thời gian Huy Hoàng trúng đậm các gói thầu lớn nhưng tài sản của doanh nghiệp này vẫn liên tục bị thế chấp cho ngân hàng thân thuộc để xoay vòng tài chính một cách chóng vánh.

Đầu tiên, sau 1 tháng trúng "Gói thầu XD-01: Thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị” thuộc dự án: “Đầu tư xây dựng Tòa nhà trung tâm khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Xây dựng”, Huy Hoàng đã thế chấp quyền đòi nợ (khoản phải thu) hình thành từ vốn vay và vốn tự có phát sinh theo Hợp đồng thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị công trình ký giữa Bệnh viện Xây dựng và công ty.

Cũng trong tháng này, vào ngày 25/1/2022, chỉ đúng 1 ngày sau khi ký Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 02/2022/HĐ-XL ngày 24/01/2022, Huy Hoàng đã lập tức thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng này và các phụ lục đi kèm cho một ngân hàng quen thuộc.

Không chỉ dừng ở đó, vào ngày 28/11/2022, chỉ 19 ngày sau khi trúng thầu "Xây lắp khối nhà và hạ tầng kỹ thuật thuộc công trình: Trung tâm y tế quận Thanh Khê (giai đoạn 1)", doanh nghiệp này đã thế chấp quyền đòi nợ (khoản phải thu) hình thành từ vốn vay và vốn tự có phát sinh theo Hợp đồng thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị giữa Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng và Công ty Huy Hoàng.

Đỉnh điểm là một tháng sau, vào ngày 29/12/2022, Huy Hoàng lại một lần nữa thế chấp quyền đòi nợ (khoản phải thu) hình thành từ vốn vay và vốn tự có, phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 01/2022/HĐXL.A07-HH ngày 13/12/2022 cho chính ngân hàng đó.

Cụ thể là về việc thi công Gói thầu XL01: Thi công toàn bộ các hạng mục công trình và cung cấp thiết bị trạm biến áp 400KVA; máy phát điện 100KVA; máy bơm nước sinh hoạt; thiết bị hệ thống điện nhẹ; điều hòa nhiệt độ, PCCC thuộc Dự án: Trung tâm Bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ...

Điều đáng nói, hợp đồng này chỉ mới được ký được đúng 17 ngày đã phải vào "tủ" của ngân hàng.

Tương tự, trong năm 2021, một loạt tài sản của Huy Hoàng đã bị thế chấp cho ngân hàng. Nhưng đáng chú ý nhất là một hợp đồng nổi bật ký vào ngày 10/6/2021 - chỉ 16 ngày sau khi Huy Hoàng trúng thầu.

Cụ thể, ngay khi giành được "Gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình toàn tuyến và cung cấp, lắp đặt thiết bị" thuộc dự án "Mở rộng đường 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 và đường vào công viên phức hợp Khu kinh tế Vân Đồn", Huy Hoàng đã phải thế chấp ngay chính gói thầu này.

Trong đó là "Quyền đòi nợ (khoản phải thu) hình thành từ vốn vay và vốn tự có phát sinh theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 68/2021/HĐ-XD ngày 26/05/2021 ký giữa Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn và Liên danh 484 - HH - QN về việc thực hiện gói thầu số 12.

ong-do-huy-hoang-8672.jpeg
Ông Đỗ Huy Hoàng (đứng giữa) - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng

Hay như năm 2019 được coi là một trong những năm đỉnh cao của Huy Hoàng nhưng cũng chứa đầy những sự kiện đáng chú ý, khi tài sản của công ty này liên tục bị thế chấp ngay sau khi ký kết các gói thầu lớn của nhà nước. Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về thực trạng kinh doanh của Huy Hoàng.

Điển hình như vào ngày 1/2/2019, chỉ 4 ngày sau khi hợp đồng thi công gói thầu: Thi công xây dựng sửa chữa, cải tạo mặt tiền nhà hành chính 2,4,5 tầng, phòng làm việc và họp tổng giám đốc được ký kết, Huy Hoàng đã phải thế chấp quyền đòi nợ phát sinh của hợp đồng này cho một ngân hàng lớn có chi nhánh tại Mỹ Đình. Được biết, hợp đồng này được ký giữa Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng.

Không chỉ thế, chỉ một tháng sau, vào ngày 29/3/2019, ngân hàng này lại tiếp tục nhận ký một hợp đồng cho vay mới. Tài sản thế chấp lần này cũng là "Quyền đòi nợ phát sinh theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 02/2019/BCC-NHC ngày 21/03/2019 và các Phụ lục kèm theo (nếu có)" giữa Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng.

Việc Công ty Huy Hoàng liên tục thế chấp các hợp đồng ngay sau khi ký kết đang dấy lên nhiều nghi vấn về sức khỏe tài chính và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Liệu đây có phải là một chiêu bài tạm thời để duy trì dòng tiền, hay cho thấy dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn đang ẩn giấu sau cánh cửa công ty?

MỐI QUAN HỆ ĐẦY BÍ ẨN VỚI DOANH NGHIỆP ĐANG BỊ ĐIỀU TRA

Như Thương gia đã đưa tin Công ty Huy Hoàng, cái tên từng làm mưa làm gió trong ngành xây dựng và giao thông, đã tham gia 28 gói thầu và thắng 24 trong số đó, với tổng giá trị trúng thầu lên tới hơn 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đỉnh cao của Huy Hoàng không chỉ nằm ở con số khổng lồ này, mà còn phải nhắc tới gói thầu lớn nhất trị giá hơn 706 tỷ đồng – một con số khiến người ta phải nể.

Điều đáng nói là năm 2023, Huy Hoàng chỉ cần tham gia đúng một gói thầu duy nhất. Và sẽ không có gì đáng chú ý nếu gói thầu này được thực hiện một cách bình thường, với những doanh nghiệp trúng thầu luôn tuân thủ luật pháp. Nhưng thực tế lại không phải vậy khi Huy Hoàng liên quan tới Tập đoàn Thuận An - một doanh nghiệp đang bị điều tra. Phải chăng có những bí mật gì đang ẩn giấu sau thành công của Huy Hoàng?

Cụ thể, đây là "Gói thầu số 13: Xây dựng cầu Lạch Gạc 1, cầu Lạch Gạc 2, cầu Sến, cầu Đen, cầu Tân Yên 1, cầu Tân Yên 2, cầu Hang Son, cầu Sông Cầu Vàng, cầu Sông Cầm, cầu Sông Đạm Thủy (bao gồm công tác khảo sát, thiết kế BVTC và đảm bảo an toàn giao thông thủy cầu Sông Cầm, cầu Sông Đạm Thủy)". Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh.

Liên doanh Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An - TAG - Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng (viết tắt là: Liên danh Thuận An - Cầu 75 - Huy Hoàng) là liên doanh duy nhất tham gia đấu thầu. Và ngày 21/4/2023, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 38 phê duyệt lựa chọn Liên danh Thuận An - Cầu 75 - Huy Hoàng trúng thầu.

Được biết, gói thầu trên thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu của Thương gia, đây là gói thầu một giai đoạn với thời hạn thi công trong vòng 570 ngày, từ ngày 27/4/2023 tới 17/11/2024. Trong đó, Thuận An chiếm khoảng 50% tổng giá trị hợp đồng, còn lại thuộc về Công ty Huy Hoàng và Công ty Cầu 75.

Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố và bắt tạm giam bị can thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"..., bao gồm: Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An; ông Hoàng Thế Du, trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang; ông Trần Anh Quang, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và ông Nguyễn Khắc Mẫn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam hai cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang gồm: Nguyễn Văn Thạo - giám đốc ban và Đàm Văn Cường - phó giám đốc ban.

Ngay sau đó, vào ngày 22/4, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi nhận được thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An bị điều tra, đơn vị đã chủ động rà soát các công trình liên quan đến nhà thầu này, trong đó có "Gói thầu số 13".

Cuộc điều tra về Tập đoàn Thuận An đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về gói thầu mà Huy Hoàng giành được. Những mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Khi các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ vụ việc, liệu những thông tin mới có thể làm sáng tỏ mọi nghi vấn? Huy Hoàng sẽ cần chứng minh sự minh bạch và trung thực để bảo vệ uy tín của mình trước những nghi vấn ngày càng lớn và đem lại niềm tin cho công chúng.

Xem thêm

Dấu ấn của Huy Hoàng tại Quảng Ninh và Đà Nẵng

Dấu ấn của Huy Hoàng tại Quảng Ninh và Đà Nẵng

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Huy Hoàng không chỉ là một tên tuổi đáng gờm trong ngành xây dựng, mà còn là biểu tượng của sự thành công trong việc chinh phục các dự án đầu tư công quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước...

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...