Chuyện buồn của Huy Hoàng: Nợ phải trả gấp12 tới 25 lần vốn chủ sở hữu

Mặc dù được biết đến là doanh nghiệp lớn trong ngành xây lắp các dự án công về giao thông và xây dựng nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng) đang có nợ phải trả gấp12 lần vốn chủ sở hữu, có những năm lên tới 25 lần.

Chuyện buồn của Huy Hoàng: Nợ phải trả gấp12 tới 25 lần vốn chủ sở hữu

Công ty Huy Hoàng luôn trong tình trạng kinh doanh không hiệu quả, mặc dù doanh thu hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ nhưng lợi nhuận thu lại chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

DOANH THU CAO, NHƯNG LÃI MỎNG NHƯ TỜ GIẤY

Theo tìm hiểu của Thương gia, trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, Huy Hoàng đã trải qua một giai đoạn mở rộng đáng kể, với doanh thu từng bước tăng vọt từ 370 tỷ đồng vào năm 2021 lên đến 821 tỷ đồng vào năm 2022, tăng gấp đôi, trước khi giảm 36,5% xuống còn 521 tỷ đồng vào năm 2023.

Mặc dù doanh thu ghi nhận được cao ngất ngưởng, nhưng sau khi trừ đi các chi phí, lãi ròng của Huy Hoàng chỉ vỏn vẹn 433 triệu, 540 triệu và 520 triệu đồng tương ứng. Nguyên nhân được cho là do giá vốn hàng bán quá cao, chiếm tới khoảng 90% doanh thu của các năm. Cùng với đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gần như chiếm trọn toàn bộ lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, đôi khi còn âm.

Như năm 2021, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Huy Hoàng đạt 35 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính (cụ thể là chi phí lãi vay) chiếm tới 54,2%, tương đương 19 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 16 tỷ đồng, chiếm 45,7%.

Sang tới năm 2022, lợi nhuận gộp tăng 39 tỷ đồng so với năm 2021, lên 74 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo lên 22 tỷ đồng và 25 tỷ đồng, tương đương chiếm 22,7% và 33,7%. Năm 2023, con số này có sự thay đổi, khi lợi nhuận gộp thì giảm 29,7% so với năm trước chỉ đạt 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính tăng lên tới 37 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 16 tỷ đồng.

Việc Công ty Huy Hoàng có doanh thu khủng nhưng lợi nhuận quá "hẻo" khiến dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi. Vì lẽ những năm qua, Huy Hoàng liên tục trúng các gói thầu đầu tư công của hàng loạt các tỉnh thành phố trên cả nước. Người ta đều biết, hợp đồng với nhà nước thường ổn định và ít rủi ro hơn so với các khách hàng thương mại.

Điều đáng nói, mặc dù Công ty Huy Hoàng làm ăn gần như không có lãi, chi phí tài chính, lãi vay quá nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại luôn để một lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền khổng lồ, vượt tất cả mọi chỉ số lãi vay,... khiến nhiều doanh nghiệp phải trầm trồ.

Đơn cử năm 2021, công ty này có tới 128 tỷ tiền mặt, trong khi chi phí lãi vay lên tới 19 tỷ đồng. Hay như năm 2022 có tới 133 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền, trong đó thì có tới 94 tỷ tiền mặt, còn chi phí lãi vay lên tới 22 tỷ đồng. Năm 2023, con số này bị giảm tới 5,5 lần chỉ còn 24 tỷ đồng, trong đó 2,4 tỷ là tiền mặt còn lại là các khoản tương đương tiền, chi phí lãi vay là 37 tỷ đồng.

QUẢ BOM NỔ CHẬM

Chưa dừng lại ở đó, Huy Hoàng gánh số lượng nợ lớn gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu. Và đây cũng là một doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường chỉ vay nợ ngắn hạn mà không có một đồng nợ tài chính dài hạn nào trong nhiều năm liền.

Tài sản của công ty đã giảm từ 1.178 tỷ đồng vào năm 2021 xuống còn 853 tỷ đồng vào năm 2022 và 856 tỷ đồng vào năm 2023.

Năm 2021, chỉ số nợ phải trả của công ty lên tới 1.133 tỷ đồng, gấp 25 lần vốn chủ sở hữu là chỉ có 45 tỷ đồng và chiếm tới 96,1% tổng tài sản. Dù chỉ số D/E đã giảm xuống trong năm 2022, nhưng vẫn rất lo ngại, lên tới 12 lần, khi Huy Hoàng tăng vốn chủ sở hữu lên 65 tỷ đồng và giảm nợ còn 787 tỷ đồng. Năm 2023, tổng nợ phải trả là 790 tỷ đồng, gấp 11,9 lần vốn chủ sở hữu là 66 tỷ đồng và chiếm 92,2% tổng tài sản.

Khi một doanh nghiệp có nợ phải trả cao gấp từ 11 đến 25 lần vốn chủ sở hữu, chẳng khác nào ngồi trên một quả bom nổ chậm. Ngay cả khi doanh nghiệp này chuyên làm các công trình của nhà nước, vì sự phụ thuộc quá mức vào nợ ngắn hạn tạo ra áp lực thanh khoản khổng lồ. Trong khi, không có nợ dài hạn chứng tỏ doanh nghiệp thiếu một chiến lược tài chính cân bằng và bền vững.

Ngay cả trong bối cảnh doanh nghiệp làm việc với nhà nước, vẫn có những rủi ro không lường trước được, như sự chậm trễ trong thanh toán từ phía nhà nước, biến động chính sách, hoặc các yếu tố kinh tế vĩ mô khác.

Mặc dù, Huy Hoàng luôn đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán, làm suy giảm uy tín và thậm chí là đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính, nhưng không rõ vì lý do gì đơn vị này vẫn liên tục trúng các gói thầu từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước?!

HUY HOÀNG LÀ AI?

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng bắt đầu với cái tên Công ty TNHH thương mại và xây lắp Huy Hoàng, ra đời vào ngày 14 tháng 01 năm 2000, đặt trụ sở tại đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của đại gia Đỗ Huy Hoàng (sinh năm 1974), người sống tại Cầu Giấy, Hà Nội.

huy-hoang-8945.jpg
Liên doanh của Huy Hoàng đã trúng thầu "Gói thầu số 05: Xây lắp các hạng mục công trình, phòng chống mối và cung cấp trang thiết bị nội thất văn phòng + thiết bị giảng dạy và phụ trợ khác" thuộc dự án "Cung văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh" có trị giá hơn 290 tỷ đồng

Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng bao gồm ông Hoàng, cùng với bà Đỗ Thị Thuý Kiều và ông Nguyễn Văn Kiêu. Trong đó ông Hoàng sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn nhất, lên đến 60%. Năm 2018, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần phổ thông với giá trị mỗi cổ phần là 1 triệu đồng. Sau đó, ông Nguyễn Văn Kiêu rút toàn bộ vốn ra khỏi công ty, chỉ còn lại ông Hoàng, bà Kiều (sở hữu tổng số 95,909% cổ phần) và các cổ đông khác.

Cũng trong năm này, ông Đỗ Huy Hoàng từ vai trò là Tổng giám đốc lên chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của công ty.

Trong những năm gần đây, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng lên 55 tỷ đồng vào năm 2018, và tiếp tục gia tăng thêm 65 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2022 là 66 tỷ đồng rồi duy trì mức này cho đến nay. Công ty hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực lớn: xây dựng, đầu tư, cung cấp máy xây dựng, kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Theo Công ty Huy Hoàng giới thiệu: "Xây dựng Huy Hoàng trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước".

Đặc biệt, công ty đã để lại dấu ấn khi tham gia nhiều dự án xây dựng quan trọng trên toàn quốc như Nhà Quốc hội, Cung văn hoá thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Nhà thi đấu đa năng Đà Nẵng, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Chemilens - Khu công nghiệp Đại An - Hải Dương, và Dự án đường đấu nối từ Quốc lộ 279 đến tỉnh lộ 342, thành phố Hạ Long.

Mặc dù liên tục giành được các hợp đồng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc chỉ thu về vài trăm triệu đồng lãi mỗi năm so với một khoản nợ phải trả gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu đã đặt nghi vấn lớn về sự bền vững và quản trị của doanh nghiệp này cũng như sự tương phản rõ rệt giữa các con số trên báo cáo tài chính và thực tế hoạt động đang khơi lên câu hỏi về khả năng quản lý chi phí, nhu cầu vay vốn và chiến lược đầu tư của Chủ tịch Đỗ Huy Hoàng?

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...