Nợ xấu Saigonbank vượt ngưỡng an toàn

Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của Saigonbank kém khả quan với chỉ số nợ xấu tăng mạnh từ dưới 3% lên 6,5%, vượt ngưỡng an toàn 3% theo quy định của NHNN.
Nợ xấu Saigonbank vượt ngưỡng an toàn

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2018 đã soát xét với hầu hết các chỉ tiêu đều tiêu cực.

Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 30/6/2018 là 20.724 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, cho vay khách hàng và tổng huy động tiền gửi đều giảm.

Thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 753 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy do sự gia tăng đột biến của chi phí lãi (tăng 6%), chi phí hoạt động (tăng 18%) nên lợi nhuận thuần bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số bộc lộ tình hình kinh doanh của Saigonbank khá ảm đạm. Cho vay khách hàng chỉ còn 13.724 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2018, giảm 2% so với thời điểm đầu năm. Số dư huy động giảm hơn 4% về 14.223 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, Saigonbank cũng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, từ 55 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng, khiến tổng lợi nhuận trước thuế giảm từ 160 tỷ đồng (trong nửa đầu năm 2017) xuống còn 111,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 30%.

Cùng với sự gia tăng đáng kể của chi phí dự phòng, nợ xấu đến ngày 30/6 gấp 2,13 lần hồi đầu năm, lên xấp xỉ 898 tỷ đồng. Cùng đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 1,79% về còn 13.852 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 2,98% lên 6,48%. Phần lớn nợ nhóm 1 đã chuyển sang các nhóm khác.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 8 lần từ 25 tỷ lên 200 tỷ, nợ nhóm 4 (nợ cần chú ý) tăng 3 lần từ 77 tỷ lên 237 tỷ, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên mức 458,8 tỷ đồng.

Được biết, SaigonBank là ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống với 31 năm hoạt động. Tuy nhiên, đến 30/6, ngân hàng này vẫn có quy mô khá khiêm tốn trong hệ thống với vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng và tổng tài sản đến 30/6 đạt 20.725 tỷ đồng.

Từ năm 2012 tới nay, SaigonBank chưa thực hiện đợt tăng vốn nào. Hiện cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, nắm giữ lần lượt 18,18% và 16,64% vốn.

Hai cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoà (16,35%) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro - 14,08%).

Được biết, SaigonPetro và Nhà Phú Nhuận cũng đều là các đơn vị trực thuộc Thành ủy.

Trước đó, Saigonbank đã có nhiều biến động về nhân sự ở hai vị trí cao nhất là ông Phạm Văn Thông – Chủ tịch HĐQT SaigonBank - thôi giữ nhiệm vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của của cổ đông là tổ chức tại ngân hàng để nhận nhiệm vụ khác theo phân công của chủ sở hữu.

Ông Phạm Văn Thông là nguyên Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM, và cũng chỉ mới ngồi "ghế" Chủ tịch SaigonBank chưa đầy 1 năm (từ tháng 6/2017) thay cho ông Trần Quốc Hải.

Không lâu sau khi rời SaigonBank, ông đã nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do sai phạm trong hai vụ việc: Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở, phường An Phú, Quận 2.

Ông Vũ Quang Lãm, thành viên HĐQT đồng thời cũng là Tổng giám đốc của ngân hàng, đã thay thế ông Thông để đảm nhận chức vụ trên. Vị trí đứng đầu ban điều hành được giao lại cho Phó Tổng giám đốc thường trực Võ Thị Nguyệt Minh.

Cuối tháng 7 vừa qua, ngân hàng này vừa hoàn tất chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung chính bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2018 - 2023.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, SaigonBank hiện vẫn chưa quyết định ngày họp mà chỉ dự kiến tổ chức trong tháng 8 này.

Đầu năm nay, xuất hiện thông tin nhóm cổ đông Văn phòng Thành uỷ TP.HCM sẽ thoái hết vốn tại SaigonBank. Tình hình kinh doanh ngày càng tệ, cùng với những biến động về nhân sự đã khiến cổ đông hoài nghi về sự ổn định trong nội tại ngân hàng.

>> Cựu Chủ tịch Saigonbank bị “cảnh cáo”

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...