Nới room tín dụng: Điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ

Việc nới room tín dụng bước đầu được đánh giá sẽ mang đến nguồn "ô xy" mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp cận vốn vay này, các doanh nghiệp vẫn cần phải đáp ứng chuẩn tín dụng...

Trước thực trạng tình hình kinh tế cuối năm, nhiều doanh nghiệp phản ánh “cơn khát” vốn, việc nới room tín dụng được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

Theo đó, ngày 5/12 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Với mức tăng như trên, khoảng 200.000 tỷ đồng dự kiến sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. 

Bước đầu, chính sách mới này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Tạp chí Thương gia đã có cuộc trò chuyện nhanh với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ các vấn đề xoay quanh đợt điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng vừa qua.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Thưa ông, chưa đầy 1 tháng nữa là sang năm 2023, khi đó room tín dụng mặc nhiên được nới. Vậy tại sao Ngân hàng Nhà nước lại quyết định điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm này?

Việc điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm này là phù hợp thực tế thị trường. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp phản ánh thiếu vốn, cũng có một số khách hàng đang giao dịch với ngân hàng thừa vốn muốn cho vay nhưng lại hết room tín dụng. 

Xuất phát từ thực tiễn đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho điều chỉnh để nới room tín dụng đối với những ngân hàng đảm bảo được an toàn hệ thống, nguồn vốn thì có thể mở rộng cho vay tùy theo khả năng của mình. 

Đối tượng cần được tập trung cho vay trước hết là nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có đơn hàng, mặt hàng và đầu ra ổn định nhưng đang thiếu vốn sản xuất. 

Theo ông, liệu việc tăng room tín dụng có giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn không? 

Điều chỉnh room tín dụng mở rộng không đồng nghĩa với việc nới điều kiện tín dụng. Doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận với nguồn vốn thì vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện, khả năng thanh khoản và chi trả. 

Kể cả với nhóm đối tượng phản ánh việc thiếu vốn nhiều nhất trong thời gian vừa là doanh nghiệp bất động sản cũng không nằm trong nhóm ưu tiên, phải tuân thủ đúng nguyên tắc và có hồ sơ pháp lý đầy đủ. 

Do đó, việc nới room chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Họ phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng thì mới có thể dễ dàng tiếp cận vốn.

Theo ông thì các ngân hàng thương mại cần làm gì để cái việc điều chỉnh room tín dụng lần này hiệu quả nhất?

Để việc mở rộng tín dụng lần này có hiệu quả thì điều kiện đầu tiên ngân hàng phải đảm bảo được lãi suất không được quá cao so với thị trường. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng lãi suất phù hợp ở đây sẽ ở mức dưới 10%/năm.

Hiện tại, mặt bằng dưới 6 tháng đã có trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Còn lãi suất trên 13 tháng tôi nghĩ phải tầm 9%/năm thì các ngân hàng mới có thể hút tiền nhàn rỗi của cư dân.

Vừa qua, Hiệp hội đã có buổi làm việc với các thành viên. Và ngân hàng thành viên đã thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa là 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Với cam kết như vậy, các tổ chức tín dụng có thể tăng room tín dụng nhưng không được nâng lãi suất lên để huy động vốn cho vay. 

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét nới room đối với những ngân hàng có mức lãi suất hợp lý và cái hệ số an toàn phải đảm bảo. Việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay. 

Ngoài ra, còn những ngân hàng thừa dư địa tín dụng, chưa cho vay hết có thể không được nới room, hoặc việc nới room rất hạn chế để dành dư địa cho các ngân hàng khác.

Đặc biệt, các ngân hàng nên định hướng đầu tư vào đúng nhóm các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện, có đầu ra an toàn thì mới sẵn sàng cho vay để đảm bảo khả năng chi trả. 

Vậy ông có kỳ vọng như thế nào vào đợt điều chỉnh room lần này? 

Nhìn chung, đợt điều chỉnh room tín dụng cuối năm này sẽ giúp giảm áp lực của thị trường. Và nguồn vốn này có thể tiếp cận đến những doanh nghiệp có nhu cầu thật, nhóm lĩnh vực được ưu tiên giúp luân chuyển dòng tiền hợp lý. 

Điều hành thị trường không chỉ cần lắng nghe thị trường phản ánh như thế nào mà còn cần phải nhìn vào thực tiễn. Đi đôi với việc điều chỉnh room tín dụng 1,5 - 2% thì nhà quản lý chắc chắn đã đánh giá tác động đến lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá hay không. Để đưa ra quyết định điều chỉnh lần này phải tính đến rất nhiều các yếu tố, tính an toàn hệ thống của từng tổ chức tín dụng, muốn cho vay thì phải có thanh khoản và huy động vốn tốt.

Hướng tới mục tiêu cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững nhưng vẫn phải ổn định vĩ mô.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...