“Ông chủ” thương hiệu Rau Bác Tôm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Trăn trở trước sức khỏe người tiêu dùng đang bị “tấn công” bởi các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, anh Trần Mạnh Chiến đã sẵn sàng từ chối công việc với mức lương hấp dẫn để theo đuổi ý tưởng đưa t
“Ông chủ” thương hiệu Rau Bác Tôm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Vốn là chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu của các tổ chức quốc tế nên anh không gặp quá nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường lại khá vất vả do vốn liếng kinh doanh của anh hạn chế. Bằng chuyên môn và sự chân thành, sau gần 7 năm, Trần Mạnh Chiến đã xây dựng được thương hiệu thực phẩm sạch “Rau Bác Tôm” với hơn 20 cửa hàng trên một số quận nội thành Hà Nội.

Sinh năm 1974 tại một vùng quê nghèo ở Nam Đàn, Nghệ An, thế nên từ nhỏ anh đã thấu hiểu sự cực nhọc của người nông dân trong nông nghiệp khi phó thác may rủi cho ông trời và cho thị trường. Quyết tâm học tập với mong muốn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiêp giúp người nông dân quê hương đỡ vất vả, năm 2004, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Nông nghiệp tại Đại học Larenstein (Hà Lan), về nước, anh Chiến tham gia vào các dự án trồng rau chất lượng của các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm cho người Việt. Lúc đó, anh kiêm cả mảng tiêu thụ sản phẩm vì dự án không có người.

Nhưng việc đưa sản phẩm rau sạch vào các siêu thị gặp khó khăn bởi giá sản phẩm quá cao so với các sản phẩm rau cùng loại trên thị trường, yêu cầu về chất lượng lại rất khắt khe. Mặt khác rau hữu cơ có mẫu mã không bắt mắt, chủng loại sản phẩm không phong phú như các loại rau thông thường, nên dù chất lượng tốt hơn vẫn rất khó tiêu thụ. Do đó chỉ sau một thời gian ngắn kế hoạch trên phải dừng lại.

Điều làm anh thật sự buồn phiền là sau khi một dự án rau sạch kết thúc, bà con nông dân không hào hứng với mô hình mới mà trở về mô hình truyền thống bởi sản xuất rau sạch giá thành cao, nhưng phải bán với giá trị trường mới “trôi hàng” nên lợi nhuận mang lại không như bà con kì vọng.

Tuy nhiên, anh Chiến nhận thấy lợi ích của mô hình này đối với sức khỏe người tiêu dùng và cuộc sống của bà con nông dân, nên nung nấu ý định tự mình bán sản phẩm này ra thị trường. Lúc đầu anh thử bán vài chục cân mỗi ngày, sau đó thấy nhu cầu rau sạch của khách hàng rất cao nên anh đã tiếp nhận lại cửa hàng rau sạch của dự án. Đầu năm 2010, cửa hàng Rau Bác Tôm đầu tiên đã ra đời tại địa chỉ số 6 Nguyễn Công Trứ với mục đích tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân trồng theo dự án.

 “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc bắt đầu khởi nghiệp, cũng như bao người khác, anh Chiến gặp vô vàn khó khăn. Thường khó khăn lớn nhất của các bạn trẻ lúc bắt đầu khởi nghiệp đó là vốn, nhưng cái khó khăn của anh “rất đặc biệt” bởi trong đầu anh lúc nào cũng nghĩ làm kinh doanh là việc xấu, do đó anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất lâu và cuối cùng, sau khi được “đả thông tư tưởng” bởi những người bạn kinh doanh, anh bắt tay ngay vào việc thực hiện kế hoạch đã đề ra.

"Khó khăn lớn nhất mà tôi đã vượt qua được đó là giới hạn quan điểm và nhận thức về kinh doanh, làm giàu. Ngày đó, tôi là dân kỹ thuật nông nghiệp không có chút khái niệm kinh doanh nào ở trong đầu cả. Tôi luôn cho rằng kinh doanh, buôn bán là xấu, buôn một bán lãi gấp hai, gấp ba. Nhưng nhận thấy rằng mình làm ăn lương thiện, mang những sản phẩm tốt đến với người tiêu dùng thì không có gì là xấu cả" anh Chiến trải lòng..

Để khắc phục khó khăn ấy, anh đã mua rất nhiều các loại sách về tự học, học trên Internet, tham gia nhiều khóa ngắn hạn về kinh doanh, marketing. "Nhờ đó, tôi hiểu hơn về ý nghĩa của kinh doanh chân chính không phải là buôn bán đơn thuần, nhưng là tạo ra giá trị cho xã hội" anh Chiến chia sẻ.

Sau khi chiến thắng được bản thân, anh lại gặp ngay sự cản trở từ gia đình vì mọi người đều phản đối việc anh từ bỏ vị trí cao ở một tổ chức quốc tể để đi làm rau. Tuy nhiên, với những thành quả mang lại từ công việc mới, cộng với lòng kiên trì thuyết phục gia đình, cuối cùng anh đã nhận được sự ủng hộ từ người thân.

Anh Chiến chia sẻ: “Khi biết tôi quyết tâm dấn thân vào môi trường kinh doanh, cả gia đình đã phản đối, đặc biệt là vợ tôi. Tôi hiểu vì sao họ phản đối. Dễ hiểu bởi lúc đó tôi đang làm công việc tư vấn cho các dự án và tổ chức phi chính phủ với mức lương hấp dẫn thế mà tự dưng lại chuyển sang kinh doanh rau sạch, thực phẩm sạch, nghe thật khó tin. Nhưng tôi đã kiên trì theo đuổi và làm bằng được. Tôi không chỉ lấy được lòng tin của gia đình, mà còn tạo được lòng tin trong lòng khách hàng nhiều năm nay”.

“Ông chủ” thương hiệu Rau Bác Tôm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ảnh 1

Khó khăn kế tiếp theo anh đó là năm đầu kinh doanh cửa hàng liên tục bị lỗ, do phí duy trì cửa hàng cao mà lượng bán ra ít. Mặt khác người tiêu dùng chưa quen với khái niệm rau sạch, giá thành lại quá cao so với giá rau ngoài chợ. Tuy nhiên với quyết tâm cao độ, anh đã mày mò nghiên cứu và liên kết với nhiều dự án để nhập về các sản phẩm đa dạng như thịt, cá, gà, trứng… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng với chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Anh rủ thêm nhiều chuyên gia nông nghiệp kinh nghiệm về làm cùng để giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất. Nhờ đó, Rau Bác Tôm dần chinh phục được khách hàng và được nhiều người tiêu dùng tìm đến.

Để thành công như bây giờ, anh Chiến cho rằng mình gặp may mắn vì đã có thời gian dài làm trong ngành nông nghiệp và có nhiều mối quan hệ khi tham gia các dự án tại nhiều tỉnh thành, luôn nhận được sự hỗ trợ của bạn bè và các cơ quan cũ. Nhờ sự kết hợp rộng rãi với các dự án ở Sóc Sơn, Hòa Bình, Lào Cai, nên các sản phẩm như rau, quả, thịt, tôm, cá tươi sống từ Rau Bác Tôm luôn phong phú, đảm bảo chất lượng.

Theo anh Chiến, điều đặc biệt quan trọng là đào tạo được đội ngũ bán hàng am hiểu về sản phẩm và yêu thích công việc bán thực phẩm sạch và có trách nhiệm đối với khách hàng. Có như vậy khách hàng mới được tư vấn và phục vụ chu đáo. Vì thế anh thường xuyên tổ chức cho nhân viên và khách hàng thân thiết đi tham quan những dự án trồng rau sạch của cửa hàng. Hoạt động này giúp cho nhân viên gắn bó với nhau hơn, khách hàng thêm tin tưởng chất lượng thực phẩm của Rau Bác Tôm.

Rau Bác Tôm hiện có 22 cửa hàng tại Hà Nội. Mỗi ngày, các cửa hàng tiêu thụ khoảng hai đến 3 tấn rau, quả..

Với những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm sạch, anh Chiến khuyên: “Các bạn đừng ngần ngại, hãy thử dấn thân, bạn sẽ thấy lĩnh vực này rất thú vị. Nhu cầu thực phẩm sạch của người dân vô cùng lớn, thị trường còn rộng, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm để làm hay không?

Bạn hãy nhớ rằng, kinh doanh thực phẩm sạch cần nhất là cái tâm của người bán. Hãy xây dựng mô hình làm giàu chân chính bằng sức lao động của mình, mang đến cho khách hàng những sản phẩm sạch, có ích, bạn sẽ thấy bạn giàu có, hạnh phúc như thế nào”.

Anh Chiến cũng cho rằng, để mở được một của hàng thực phẩm sạch các bạn trẻ cần số vốn khoảng 200-300 triệu. Để tránh những thất bại không đáng có, các bạn trẻ nên khảo sát thị trường mục tiêu quanh khu vực định thuê cửa hàng; xem nhu cầu khách hàng như thế nào để chuẩn bị nguồn hàng. Địa điểm thuê cũng cần lưu ý là nên tìm ở những chỗ đông dân cư, có chỗ để xe. Quan trọng nhất là tìm được nhiều nguồn hàng chất lượng, ổn định.

Ngoài ra, trước khi mở cửa hàng cần tìm hiểu kỹ về phần mềm quản lý sản phẩm, tuyển nhân viên, cách bảo quản sản phẩm, kế hoạch marketing cho cửa hàng… “Các bạn có thể liên hệ với Rau Bác Tôm để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ về nguồn hàng” anh Chiến khẳng định.

Lý giải về việc vì sao đặt tên thương hiệu Rau sạch Bác Tôm, anh Chiến cho biết: “Là dân kỹ thuật nhưng tôi rất thích đọc tiểu thuyết lịch sử. Cuốn tiểu thuyết “Túp lều bác Tôm” đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Khi đặt tên cho cửa hàng, tôi luôn nghĩ rằng sẽ chọn một cái tên đúng với tiêu chí sản phẩm mà chúng tôi cung cấp. Những sản phẩm chất lượng cần cái tâm và sự tận tụy của người sản xuất. Vì thế, tôi nghĩ đến nhân vật Bác Tôm trong tiểu thuyết “Túp lều Bác Tôm” của Harriet Beecher Stowe – một người quản gia trung thành, tận tụy. Cái tên Bác Tôm đại diện cho 3T: Trung thực – Trung thành – Tận tụy. Tôi muốn khi mọi người nhắc đến Rau Bác Tôm là nghĩ ngay đến sự trung thực của người bán và sự phục vụ khách hàng tận tụy như chính nhân vật bác Tôm vậy”.

Anh Chiến cũng chia sẻ thêm về việc xây dựng hình ảnh có màu nâu trong mọi ấn phẩm bởi màu nâu đại diện cho màu bình dị của đất – nguồn sống của muôn loài.

Nam Phong

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...