Ông Trịnh Văn Quyết lại cam kết: “Tôi hứa sẽ mua vào cổ phiếu FLC”

Cho rằng cổ phiếu FLC đang dưới giá trị thực, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nhắc lại cam kết: “Tôi xin hứa với cổ đông sẽ mua vào cổ phiếu ở thời điểm thích hợp để cổ phiếu không còn dưới mệnh giá
Ông Trịnh Văn Quyết lại cam kết: “Tôi hứa sẽ mua vào cổ phiếu FLC”

Năm 2019, Tập đoàn FLC tiếp tục trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn thêm gần 3.000 tỷ đồng 

Sáng 26/6, CTCP Tập đoàn FLC đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng gồm: kết quả kinh doanh 2018 và kế hoạch 2019, phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, miễn nhiệm và bầu nhân sự thay thế…

Năm nay cuộc họp diễn ra ở trụ sở mới của Tập đoàn tại toà tháp đôi FLC Twins Tower (cao 37-41 tầng) tại số 265 Cầu Giấy, Hà Nội và cũng là nơi đặt trụ sở hãng hàng không Bamboo Airways do FLC sở hữu 100% vốn điều lệ.

Cũng như các kỳ họp trước, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm, chất vấn nhất là giá cổ phiếu FLC rất “hẻo”, ở dưới mệnh giá nhiều năm qua dù doanh nghiệp vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận? Hiện giá FLC chỉ giao dịch quanh mức 4.400 đồng/CP.

Chia sẻ với tâm tư của các cổ đông bày tỏ bức xúc, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết giải thích, giá cổ phiếu FLC đang không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Thực tế, trên sàn chứng khoán có nhiều cổ phiếu cũng không phản ánh đúng giá trị thật. Đơn cử như cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros có liên quan sở hữu tới ông Quyết và nhiều cổ đông nội bộ khác. Cổ phiếu ROS đã biến động rất mạnh từ lúc lên sàn, có lúc tăng lên đỉnh 225.000 đồng/CP và rơi xuống 30.000 đồng/CP ở hiện tại theo thị trường.

“Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS, không bán ra ngoài và nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác. Lượng cổ phiếu giao dịch trên sàn chỉ trong khoảng 10-20%, khi nhà đầu tư tranh nhau mua thì giá lên cao, cả nghìn người mua, quỹ ETF cũng mua cả triệu cổ phiếu… vào thời điểm TTCK sôi động. Khi TTCK trầm lắng mọi người đua nhau bán ra, khiến ROS giảm sâu chỉ còn 30.000 đồng/CP”, ông Quyết dẫn chứng.

Chủ tịch FLC chia sẻ: “Cổ phiếu FLC có tính “cô đặc” sở hữu kém hơn ROS, chỉ khoảng 30% nằm trong tay cổ đông lớn nhưng tính thanh khoản rất cao. Giá FLC hoàn toàn do cung cầu thị trường quyết định, có lúc thị trường tốt giá lên tới 7.000-8.000 đồng/CP. Ngược lại, thị trường xấu thì giá FLC giảm sâu về loanh quanh 4.000-5000 đồng/CP. Có lúc tôi cũng chán không xem bảng điện tử”. 

Ngoài yếu tố thị trường ảm đạm, thiếu vắng người mua và dòng tiền lớn thì ông Quyết cho rằng, còn yếu tố chủ quan từ phía nhà đầu tư đánh giá không đúng với giá trị thật của cổ phiếu FLC. Xét về tổng thể doanh nghiệp, FLC vẫn tăng trưởng liên tục, tổng tài sản tập đoàn hơn 26.000 tỷ đồng, trong khi tổng nợ vay ngân hàng ở mức thấp chỉ có hơn 5.000 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây, kết quả kinh doanh tăng trưởng rất cao, cụ thể năm 2018 doanh thu hợp nhất hơn 12.016 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 677 tỷ đồng. Năm 2019 dự kiến doanh thu tới 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 720 tỷ đồng…

“Nếu bây giờ nhiều người tham gia mua FLC, thị trường tốt lên như lúc mọi người đổ xô mua ROS thì tôi cũng không biết giá FLC sẽ đi về đâu”, ông Quyết đặt câu hỏi.

Một cổ đông cũng nhắc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết về lời hứa năm xưa “sẽ mua vào cổ phiếu FLC nếu giá giảm dưới mệnh giá”. Ông Quyết nói: “Tôi xin hứa với cổ đông sẽ mua vào cổ phiếu ở thời điểm thích hợp để cổ phiếu không còn dưới mệnh giá nữa”. 

Tăng vốn 3.000 tỷ đồng, đầu tư hàng trăm dự án

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 299,6 triệu cổ phiếu FLC cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 1.000: 442, với giá bán 10.000 đồng/CP, cao gấp 2,5 lần thị giá FLC hiện tại. Việc phát hành cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu FLC giảm sâu được cho là kém hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp khó huy động vốn trên sàn. Nhất là khi phát hành số lượng lớn cổ phiếu sẽ làm pha loãng giá trị, khiến cổ phiếu càng diễn biến tiêu cực.

Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định: “Nếu cổ phiếu FLC không vượt 10.000 thì sẽ không tăng vốn. Nhưng để phục vụ cho kế hoạch mở rộng đầu tư, HĐQT vẫn xin ý kiến của ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu”.

Nếu đợt phát hành này thành công, FLC dự kiến thu về khoảng gần 3.000 tỷ đồng, nhờ đó giúp tăng vốn điều lệ lên mức hơn 10.009 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được rót vào các dự án đang “khát” vốn, như: FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long, dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình, hay tăng vốn cho Bamboo Airways…

Trong 4 năm gần đây, Tập đoàn FLC liên tục mở rộng đầu tư nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn với quy mô vốn từ 3.000-10.000 tỷ đồng. Gần đây công ty lại tiếp tục lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp, hàng không, y tế, giáo dục… đòi hỏi nhu cầu tăng vốn điều lệ.

Thực tế, các dự án bất động sản của FLC được triển khai trên quy mô lớn, đã đi vào hoạt động và tạo nên sự đổi thay rất lớn cho địa phương cũng như mang lại lợi ích kinh tế lớn cho tập đoàn. Đơn cử, dự án FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long… là những kỳ tích cho thấy hiệu quả đầu tư của FLC.

Theo lãnh đạo FLC, hiện tập đoàn đã phát triển quỹ dự án lên tới 238 dự án, có mặt tại 62 tỉnh thành trên cả nước. Tuy vậy, việc làm thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án bất động sản sẽ mất nhiều thời gian và điều kiện để triển khai. Do đó, dự án nào có đủ điều kiện pháp lý thì công ty sẽ triển khai đầu tư trước.

Ở lĩnh vực hàng không mà FLC mới gia nhập, lãnh đạo FLC cho biết, hiện công ty mới khai thác bay 10 tầu bay của Bamboo Airways và sắp tới nâng đội tàu bay lên tổng cộng 30 tàu bay. Do hiện tại vẫn phải nuôi bộ máy để phục vụ cho việc vận hành khai thác 30 tàu bay sắp tới nên Bamboo Airways vẫn đang bị lỗ. Nhưng đây là chi phí đầu tư và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cho đáo cho hoạt động của BB hiện tại và đáp ứng sự tăng trưởng trong thời gian tới. 

“Bộ GTVT đã chấp thuận cho phép FLC được nâng số tàu bay khai thác lên 30. Tôi hi vọng hết năm 2019 và đầu 2020 thì Bamboo Airways sẽ có lãi. Ngay lúc này nếu loại trừ chi phí nuôi đội tàu bay dự kiến thì công ty cũng đã cân đối được chi phí, doanh thu để có lãi”, ông Trịnh Văn Quyết nói. 

Sau những chia sẻ về hiệu quả đầu tư ở lĩnh vực bất động sản và hàng không, cùng định hướng chiến lược phát triển của FLC, ông Trịnh Văn Quyết khuyên “cổ đông nên trung thành nắm giữ cổ phiếu FLC thêm vài năm nữa và sẽ nhận được thành quả xứng đáng”.

>> Năm 2019 FLC đặt mục tiêu lợi nhuận 720 tỷ đồng, muốn tăng vốn 3000 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...