PCI không phải chuyện riêng của các địa phương

Lần công bố nào của Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng mang đến những cảm xúc trái ngược.
PCI không phải chuyện riêng của các địa phương

Năm nay, Quảng Ninh hẳn hài lòng với ngôi vị tân vương của Bảng xếp hạng PCI 2017. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương này trong rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp được đền đáp.

Không được thứ hạng cao như vậy, nhưng các đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đều được doanh nghiệp ghi nhận có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong Top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.

Ở cuối bảng, Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông không chỉ khó vui, mà sẽ chịu áp lực lớn khi đều tụt hạng so với lần xếp hạng trước.

Theo thông lệ, dù tăng hay giảm hạng, các tỉnh sẽ có hàng loạt cuộc làm việc, cả nội bộ lẫn với chuyên gia PCI để xem xét, mổ xẻ từng chỉ số thành phần của PCI, mong tìm ra những điểm bị doanh nghiệp đánh giá thấp, từ đó lên kế hoạch cải thiện. Những năm trước, nhiều tỉnh ban hành nghị quyết với những mục tiêu về thứ hạng, điểm số rất cụ thể. Quảng Ninh còn quyết định để doanh nghiệp chấm điểm, xếp hạng cả chính quyền quận, huyện cùng các sở, ngành của tỉnh. Đồng Tháp duy trì các cuộc Cà phê doanh nhân. Cần Thơ có Ngày thứ Hai doanh nghiệp...

Nhưng niềm vui hay nỗi buồn trong PCI chắc chắn không phải của riêng các địa phương. Nhất là khi sau nhiều năm thực hiện xếp hạng PCI, sự hội tụ về mặt điểm số của 63 tỉnh, thành phố ngày càng rõ và ngưỡng điểm cao nhất không thay đổi nhiều đang nổi lên là vấn đề phải bàn.

Lý do, các tỉnh xếp hạng thấp đang có sự cải thiện về điểm số nhanh hơn, dần thu hẹp khoảng cách, bắt kịp các tỉnh nhóm trên. Năm nay, điểm số thấp nhất trong PCI 2017 là 55,12 điểm, cao hơn hẳn so với 52,99 của PCI 2016 và 48,96 của PCI 2015... Điểm PCI tại tỉnh trung bình năm 2017 là 60 điểm, cao nhất trong 13 năm thực hiện PCI.

Trong khi đó, các tỉnh xếp hạng cao gần như quanh quẩn ở mốc 70/100 điểm trong nhiều năm.

Tất nhiên, có thể lý giải rằng, các tỉnh đi sau có dư địa cải cách rộng rãi hơn khi thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp... Trong khi các tỉnh đi đầu đã qua giai đoạn này, cần có bước đột phá mới tạo nên sự thay đổi lớn về môi trường kinh doanh, nhưng không còn nhiều dư địa tại chỗ, thậm chí nhiều lĩnh vực đang bị vướng trần... cơ chế, chính sách, quy định pháp luật do cấp Trung ương ban hành.

Sẽ không có địa phương riêng lẻ nào xử lý được các khúc mắc giữa doanh nghiệp với các cơ quan hải quan về việc kiểm tra chuyên ngành; những phức tạp trong tuân thủ điều kiện kinh doanh hay thủ tục giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai... Nhiều chỉ số chi phí không chính thức; thời gian kiểm tra, thanh tra đã có cải thiện mạnh mẽ sau nhiều năm, nhưng cũng không có nhiều đất để thực sự tạo nên sự thay đổi lớn. Năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức…

Rõ ràng, lúc này, cải cách trong PCI đang đòi hỏi thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ, ngành trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, thúc đẩy các địa phương đi đầu trong tìm kiếm các sáng kiến mới, mô hình mới để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo tại các địa phương trên cả nước.

Theo hướng này, yêu cầu của Chính phủ trong việc cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30 - 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ, ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng, có thể thực hiện ngay và quan trọng là sẽ tạo ngay dư địa cải cách cho các cấp chính quyền địa phương, các cấp cơ sở.

Khi đó, điều chắc chắn là ý nghĩa lớn nhất của Báo cáo PCI hàng năm mà các doanh nghiệp tham gia thực hiện không phải là điểm số và càng không phải là thứ hạng, mà chính là những dư địa cải cách được gợi mở và những mô hình, công nghệ cải cách được tổng kết và chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...