Petrolimex chính thức niêm yết sáng ngày 21/04/2017 với gần 1,3 tỷ cổ phiếu
Giao dịch với mức giá tham chiếu 43.200 đồng/cp, vốn hóa của PLX tương ứng đạt 55.892 tỷ đồng, chiếm 3,3% vốn hóa của HOSE. Ngay khi chào sàn (tính đến 10h ngày 21/04), giá PLX đang tăng mạnh gần 10% để chạm mốc 49.000 đồng/cp với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu cp.
Vốn điều lệ của PLX gần 12.939 tỷ đồng, tương đương gần 1,3 tỷ cổ phiếu sẽ được niêm yết. Số lượng cổ đông tại PLX ghi nhận là 12.070 cổ đông, trong đó có 27 đơn vị là cổ đông tổ chức. Tại thời điểm 03/04/2017, hai cổ đông lớn là Bộ Công thương nắm giữ gần 75,87% vốn, tương ứng 982 triệu cổ phần và tổ chức nước ngoài Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam nắm 8% vốn.
Bên cạnh đó, PLX còn đang nắm 155 triệu cp quỹ, gần 11,98% nên chỉ còn khoảng 53,7 triệu cp (4,2%) tự do chuyển nhượng trên thị trường – một cơ cấu sở hữu khá cô đặc.
Song mới đây, HĐQT PLX cho biết, để tăng tính thanh khoản, Petrolimex quyết định trích 20 triệu cổ phiếu từ lượng cổ phiếu quỹ để bán trên HOSE theo phương thức khớp lệnh trong thời gian từ 3/5 - 2/6, nhằm tăng cơ hội nắm giữ cổ phiếu PLX đối với các nhà đầu tư.
Về mạng lưới, Petrolimex đang sở hữu 46 Công ty con hoạt động trong lĩnh vựa xăng dầu và 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Singapore và Lào. Bên cạnh đó, PLX còn sở hữu 20 Công ty con và 5 công ty liên kết đến từ nhiều ngành nghề khác: hóa dầu, nhựa đường, gas, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng,… Với qui mô trên, PLX đang chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần thị phần toàn ngành và đơn vị dẫn đầu ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam.
Hoạt động xăng dầu là lĩnh vực cốt lõi chiếm 61,1% lãi trước thuế cả tập đoàn. Để đáp ứng hơn 50% cầu cả nước, PLX hiện sở hữu và vận hành hệ thống kho cảng với sức chứa 2.2 triệu và 570 km đường ống vận chuyển xăng dầu, cùng kho ngoại quan và cảng tiếp nhận xăng dầu thành phẩm có khả năng chứa tàu chở dầu cỡ lớn đến 150,000 DWT.
Tổng tài sản của PLX thời điểm cuối năm 2016 hơn 54.244 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm hơn 33,3 tỷ đồng. Nợ phải trả đạt gần 31.044 tỷ đồng, chiếm hơn 57% tổng tài sản và giảm 9% so với đầu kỳ, chủ yếu do PLX thực hiện cắt giảm nợ vay ngắn hạn từ 12.758 tỷ xuống 7.038 tỷ đồng và vay dài hạn còn 2.852 tỷ đồng.
Doanh thu thuần từ năm 2014 đến nay chỉ đi lùi, riêng với năm 2016 chỉ đạt 123.097 tỷ đồng, giảm hơn 16%. Tuy nhiên nhờ kiểm soát chính sách giá vốn linh hoạt và doanh thu tài chính tăng lên mức 880 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh hơn 3 lần, từ mức 2.577 tỷ về mức 844 tỷ đồng; do đó lãi trước thuế của Tập đoàn đạt 6.300 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất mà Tập đoàn đạt được kể từ lúc thành lập. Lãi ròng đạt 5.147 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cổ tức năm 2016 với tỷ lệ hơn 32%.
Kế hoạch hoạt động kinh doanh sau niêm yết, tổng doanh thu dự đạt 163,221 tỷ đồng và cán mốc 202,202 tỷ vào năm 2020. Lãi sau thuế dự kiến sẽ sụt giảm 36% trong năm 2017 còn 3,274 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tối thiếu cho 3-5 năm nữa là 12%./.
Theo Vietstock
>> Kỳ điều chỉnh 20/4: Giá xăng sẽ tăng kỷ lục?