Lựa chọn dòng nhạc vốn “kén” người nghe cho đêm diễn lớn đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Phạm Thùy Dung đã cho thấy cả nội lực và những nỗ lực bền bỉ của một nghệ sỹ trẻ trong hành trình tự làm mới bản thân để đến gần hơn với khán giả trong nước và tiếp cận với những xu hướng âm nhạc mới của thế giới.
Tinh tế, sâu lắng và giàu cảm xúc là những ấn tượng mà “Trăng Hát” để lại cho khán giả. Đặc biệt, sự đồng hành của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời - một dàn nhạc đẳng cấp châu lục và sự hỗ trợ của hai người anh thân thiết -NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Tùng Dương) đã giúp Thùy Dung “chạm đến ước mơ” (như lời bộc bạch của chính cô), và có những giây phút thăng hoa trên sân khấu của “thánh đường nghệ thuật” ở Hà Nội.
Trở lại và thăng hoa
“Trăng Hát” gồm ba phần: âm nhạc cổ điển, âm nhạc Việt Nam và âm nhạc giao thoa. Ở đó, Phạm Thùy Dung không chỉ “khoe” được chất giọng trong veo, cao vút mà còn cho thấy khả năng biến hóa linh hoạt linh hoạt trên sân khấu khi thả hồn khi thả hồn vào những ca khúc mang nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau.
Nhạc trưởng lừng danh người Pháp Olivier Ochanine và hơn 60 nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã tạo nên một không gian âm nhạc thú vị cho “Trăng Hát”: vừa đảm bảo tính tôn nghiêm, những quy chuẩn của âm nhạc cổ điển vừa có nét tươi trẻ, gần gũi với khán giả đương đại.
Sự bề thế của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cũng đặt ra cho Phạm Thùy Dung những thử thách không nhỏ và cô ca sỹ Sao Mai 2013 đã vượt qua “cuộc sát hạch” một cách ấn tượng. Trước Phạm Thùy Dung, ở Việt Nam, mới chỉ có Đăng Dương, Lan Anh (hai nghệ sỹ có chỗ đứng vững chắc ở “làng nhạc,” tên tuổi được định vị sắc nét trong lòng công chúng) làm live-concert với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ.
“Ban đầu, khi mới nghe về dự án này, tôi cảm thấy khá lo lắng cho Thùy Dung, sợ rằng, chương trình sẽ quá sức với em. Tuy nhiên, đến hết phần đầu của ‘Trăng Hát,’ tôi đã thở phào nhẹ nhõm! Phạm Thùy Dung đã làm chủ được sân khấu. Giọng hát của Dung đang trên đà phát triển, kết hợp được kỹ thuật thanh nhạc và cảm xúc”- NSND Trung Kiên chia sẻ.
Người nghệ sỹ gạo cội cho rằng, Phạm Thùy Dung đã có sự tiến bộ rõ nét so với những ngày đầu bước chân vào trường nhạc và tham dự Sao Mai 2013. Khi đó, giọng của Phạm Thùy Dung còn yếu, việc hát những nốt cao còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, giọng ca ấy dày dặn nhưng cũng không kém phần tinh tế, bay bổng.
Nếu như ở phần đầu (âm nhạc cổ điển), Phạm Thùy Dung cho thấy nội lực trong giọng hát, khả năng làm chủ những kỹ thuật khó của dòng nhạc thính phòng thì đến phần hai (âm nhạc Việt Nam), nữ ca sĩ lại thể hiện sự mềm mại, trữ tình, nữ tính trong giọng ca.
Phạm Thùy Dung và êkíp “Trăng Hát” đã mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ, trải nghiệm thú vị khi chuyển soạn, thể hiện những ca khúc quen thuộc (như “Đất nước tình yêu”, “Tình ca” hay “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”…) theo phong cách thính phòng cổ điển.
Càng về cuối chương trình, dường như cảm xúc của Phạm Thùy Dung lại càng bùng nổ, khiến cô thăng hoa trên sân khấu, đặc biệt là khi hai vị khách mời (Đăng Dương, Tùng Dương) cùng hòa giọng.
Có thể nói, sức trẻ và niềm say mê với âm nhạc thính phòng của Phạm Thùy Dung thể hiện rõ nhất ở phần ba (âm nhạc giao thoa). Với “Vũ khúc mùa xuân” hay “Tôi nhìn theo cánh chim bay”, Phạm Thùy Dung đã thỏa sức bung tỏa với cách hát tươi vui.
Bước khỏi vùng an toàn
Nhạc trưởng Olivier Ochanine cho rằng, Phạm Thùy Dung đã thực sự thăng hoa trên sân khấu. Trong suốt quá trình luyện tập cũng như trong đêm diễn chính thức, Phạm Thùy Dung luôn nỗ lực hết mình để hòa nhịp cùng dàn nhạc. “Hôm nay, Phạm Thùy Dung đã khá thành công, làm chủ nhiều kỹ thuật khó và có những đoạn trình diễn đáng yêu, tươi trẻ”- vị nhạc trưởng tài năng người Pháp Olivier Ochanine chia sẻ sau khi “Trăng Hát” khép lại.
Với live concert lần này, Phạm Thùy Dung đã bước ra khỏi vùng an toàn để định hình một con đường riêng trong âm nhạc. Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên cho rằng, “Trăng Hát” được kết cấu khéo léo, từ đó, có thể hình dung về hướng đi sắp tới của Phạm Thùy Dung.
Sự xuất hiện của Đăng Dương (giọng ca mang màu sắc cổ điển rõ nét, đại diện tiêu biểu của âm nhạc trong “tháp ngà”) và Tùng Dương (một cá tính âm nhạc hoàn toàn nằm ngoài quy chuẩn của nhạc thính phòng với những phá cách, thể nghiệm táo bạo) trong “Trăng Hát” đã hé mở con đường trong tương lai của Phạm Thùy Dung. Bên cạnh những sản phẩm âm nhạc theo chuẩn mực của dòng nhạc thính phòng cổ điển, Phạm Thùy Dung sẽ kết hợp những yếu tố mới mẻ, thời thượng, giao thoa cổ-kim để phù hợp với xu hướng vận động chung.
Sự hòa nhịp, “nâng đỡ” của hai nghệ sĩ đàn anh đã giúp Phạm Thùy Dung vượt lên những bỡ ngỡ khi kết hợp cùng một dàn nhạc giao hưởng quy mô trong live-concert đầu tiên của sự nghiệp. Ở “Trăng Hát”, Phạm Thùy Dung đã cho thấy hình ảnh một ca sĩ vừa có sự mềm mại, nữ tính vừa chất chứa nguồn năng lượng mạnh mẽ chờ bung tỏa cùng niềm khát khao vươn chinh phục những đỉnh cao.
Bên cạnh giọng hát và chất lượng âm thanh, thiết kế sân khấu cũng góp phần không nhỏ để tạo nên thành công của “Trăng hát.” Sân khấu được phủ màu trắng hoàn toàn bằng vải canvas - loại vải thường được các họa sỹ dùng làm toan vẽ tranh sơn dầu. Đạo diễn Đặng Xuân Trường cho biết, đây là điều chưa từng từng xuất hiện trong bất cứ một live-concert nào khác ở Việt Nam.
Sắc trắng ấy kết hợp với những sắp đặt mang tính ẩn dụ (về sóng, gió…) hai bên cánh gà và hiệu ứng của visual art giúp khán giả mở rộng trường liên tưởng đến vẻ đẹp của sự trong trẻo, lãng mạn, uyển chuyển như chính chủ đề “Trăng Hát”.
“Với sự khiêm nhường và nỗ lực bền bỉ, sau ‘Trăng Hát’, Phạm Thùy Dung sẽ có những bước tiến dài trong sự nghiệp âm nhạc. Live-concert đầu tiên của Thùy Dung được kết cấu khéo léo với điểm nhấn là những bản romance. Sau khi khẳng định mình ở đêm nhạc này, tôi hy vọng Phạm Thùy Dung sẽ mở rộng loại hình ca khúc, không chỉ bó mình trong những romance”- NSND Trung Kiên bày tỏ sự tin tưởng về tương lai của cô học trò Phạm Thùy Dung sau concert “Trăng Hát”.