Xây khu đô thị, bán nhà cho khách, nhưng không có hạ tầng khiến dự án nhà phố thương mại Đô Nghĩa, khu đô thị Dương Nội của Nam Cường bị bỏ hoang
Việc trở lại thị trường bất động sản đầy toan tính của Nam Cường hiện nay bắt đầu bằng việc “vớt vát” lại chút thương hiệu để phục vụ công việc bán hàng.
“Ông vua” đất nền
Trước năm 2010, Tập đoàn Nam Cường đã thể hiện tham vọng “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản khi gia sức thâu tóm quỹ đất dự án.
Cụ thể, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, doanh nghiệp này đã sở hữu những dự án đắc địa, như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).
Thời điểm này, Nam Cường mới chỉ triển khai một phần dự án khu đô thị Cổ Nhuế và một phần nhỏ dự án khu đô thị Dương Nội, đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp địa ốc lớn nhất tại Hà Nội.
Với tham vọng trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản, dù vẫn bỏ không dự án khu đô thị Phùng Khoang và chưa khai thác hết quỹ đất tại 2 đô thị còn lại, Tập đoàn Nam Cường đã lại tiếp tục xin đầu tư các dự án lớn hơn.
Đó là dự án Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), với quy mô 922ha và dự án Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), với quy mô hơn 507ha.
Ngoài ra, để có thêm quỹ đất dự án, Nam Cường tiếp tục đầu tư dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Đổi lại, doanh nghiệp này được giao quỹ đất đối ứng từ 2 dự án là Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124ha và dự án Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ, quy mô 750ha.
Như vậy, vào thời điểm “hoàng kim” của Tập đoàn Nam Cường, doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất lên đến trên 3.500ha đất dự án tại Hà Nội, lớn hơn cả quỹ đất của các “ông lớn” đất động sản khi đó là Sông Đà Sudico, Vinaconex hay Vingroup.
Mặc dù liên tục thâu tóm quỹ đất, nhưng Nam Cường lại chậm chạp trong việc triển khai dự án.
Sau năm 2010, khi thị trường bất động sản rơi vào suy thoái, Tập đoàn Nam Cường dường như dừng hẳn hoạt động đầu tư, bỏ hoang các dự án, khiến Hà Nội phải ra quyết định dừng dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam. Sau đó không lâu, Nam Cường đã phải trả thành phố 2 dự án lớn là Dự án Khu đô thị Quốc Oai và Dự án Khu đô thị Thạch Thất.
Thậm chí, tại dự án khu đô thị Dương Nội doanh nghiệp đang triển khai, hàng loạt hệ thống hạ tầng xã hội cũng không tiếp tục được doanh nghiệp đầu tư khiến hàng loạt tiểu khu dự án Nam Cường triển khai và bán hàng trước đó, cư dân không thể chuyển tới sinh sống vì thiếu hạ tầng.
Không triển khai dự án, không có nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng với lợi thế sở hữu quỹ đất lớn, giai đoạn 2011 đến 2015, Tập đoàn Nam Cường vẫn duy trì vị thế “đại gia” nhờ doanh thu khủng từ việc chuyển nhượng quỹ đất tại dự án khu đô thị Dương Nội cho các đối tác như Xuân Mai Corp và Ceninvest…
“Vớt vát” thương hiệu ông lớn?
Năm 2016, Tập đoàn Nam Cường đánh dấu sự trở lại bất động sản bằng việc cho ra mắt sản phẩm nhà phố thương mại An Phú Shop House Villa. Và không lâu sau đó, Nam Cường cho ra mắt dự án tổ hợp Anland (đều thuộc khu đô thị mới Dương Nội).
Việc Nam Cường trở lại thị trường khiến nhiều người bất ngờ lẫn cả nghi ngờ. Bởi các dự án Nam Cường đang triển khai, dường như vẫn chưa có hệ thống hạ tầng xã hội, như trường học, trung tâm y tế và nhiều tiện ích khác phục vụ cư dân.
Ngay cả các tiện ích tại các dự án đã có theo quy hoạch, như công viên, hồ điều hòa… Nam Cường cũng đã phớt lờ nghĩa vụ hoàn thiện trong nhiều năm qua.
Đấy chính là lý do sau khi công bố giới thiệu và mở bán các sản phẩm biệt thự, khu căn hộ tại khu đô thị Dương Nội không lâu, Tập đoàn Nam Cường đã phải đầu tư hàng trăm tỷ để tái khởi động hoàn thiện dự án công viên hồ điều hòa tại dự án này.
Và trước đó ít ngày, vào ngày 8/10/2016, Nam Cường cũng chấp nhận đầu tư cả trăm tỷ khác để tái khởi động và hoàn thiện công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, thuộc khu đô thị Phùng Khoang, doanh nghiệp đã “đắp chiếu” gần chục năm qua.
Việc chấp nhận đầu lớn để hoàn thiện hệ thống tiện ích cho các dự án đô thị Nam Cường đã triển khai từ gần chục năm nay cho thấy Nam Cường đang muốn xây dựng lại uy tín đã đánh mất những năm trước đó.
Việc đầu tư các tiện ích hạ tầng này cũng là toan tính trở lại sân chơi bất động sản của Nam Cường. Những toan tính này trước mắt, sẽ phục vụ cho việc mở bán bất động sản doanh nghiệp đang tiến hành.
Bởi nếu không đầu tư các hạ tầng tiện ích, Nam Cường sẽ rất khó bán các sản phẩm vừa mở bán lẫn các sản phẩm Nam Cường dự định triển khai trong thời gian tới.
Sau gần 5 năm “ẩn mình” và bất ngờ quay lại thị trường, không biết Nam Cường sẽ “đơn thương độc mã” triển khai dự án khu đô thị Dương Nội và khu đô thị Phùng Khoang hay tiếp tục bán bớt quỹ đất tại các dự án này cho các đối tác cùng triển khai như vẫn làm?
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, các siêu dự án Nam Cường đã bỏ hoang bỏ hoang kéo dài, như Khu đô thị mới Thạch Phúc và dự án Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ, doanh nghiệp này sẽ không dễ buông để trả lại cho thành phố. Thay vào đó, Nam Cường sẽ tiếp tục níu giữ và “đắp chiếu” kéo dài.
Thậm chí các dự án Nam Cường đang triển khai, có thể sẽ kéo dài rất lâu, so với tiến độ cam kết và dự kiến ban đầu!
Theo Thiều Quang/Bizlive