
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đang thu hút sự chú ý với đề xuất chỉ định thầu rút gọn, đặc biệt trong các dự án dùng vốn công. Theo Bộ Xây dựng, việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các bước thủ tục rườm rà, thúc đẩy tiến độ xây dựng.
ĐỀ XUẤT CHỈ ĐỊNH THẦU RÚT GỌN
Sáng 20/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Một trong những vấn đề nổi bật là về việc chỉ định thầu.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 14 điều, đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đề xuất những gói thầu thuộc dự án xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Đồng thời, đề xuất bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, giúp cắt giảm 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành, giảm 100%.
Đối với những dự án sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, nếu thực hiện chỉ định thầu rút gọn, chỉ mất khoảng 15 ngày, cắt giảm 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành, giảm 75 - 90%.
Ngoài ra, quy định không thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình sẽ thực hiện cắt giảm 20 - 30 ngày so với hiện hành, giảm 100).
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho rằng, các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
AI CŨNG ĐỀU MUỐN CHỈ ĐỊNH THẦU
Trước đó, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một số doanh nghiệp lớn cũng đã có nhiều đề xuất liên quan đến chỉ định thầu cho dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các trình tự thủ tục.
Về lựa chọn nhà đầu tư nên áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện (có thể theo xếp hạng các nhà đầu tư theo thang điểm qua việc đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm ở bước mời quan tâm hay theo quy mô các dự án nhà ở xã hội).
Hoặc rút ngắn quy trình đấu thầu bằng cách nâng cao năng lực, trách nhiệm bên mời thầu nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian không cần thiết như sửa đổi, làm rõ, gia hạn hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu.

HUD cũng cho hay, quá trình xét duyệt phương án kinh doanh cũng như xét duyệt hồ sơ đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách nhà ở xã hội còn kéo dài do cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng ưu đãi chưa có hoặc chưa đầy đủ.
Việc điều chỉnh để giao chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất đó trực tiếp thực hiện đầu tư nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố nhưng còn tồn tại e ngại vướng mắc về pháp luật đấu thầu và đầu tư hiện hành.
Do đó, đại diện HUD xin kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát các quỹ đất thuộc diện bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội; xem xét nếu Chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất đủ năng lực và có nguyện vọng đầu tư nhà ở xã hội thì tổ chức điều chỉnh để giao cho chủ đầu tư đó triển khai đầu tư nhà ở xã hội, nhanh chóng khai thác quỹ đất hiện có.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, cho phép các địa phương rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song. Ví dụ, cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng… thì sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Nếu chúng ta làm xong quy hoạch rồi đến khâu đầu tư, tài chính… sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính.
Còn Tổng Công ty Viglacera cũng cho hay, về việc giao chủ đầu tư đã được Thủ tướng kết luận, làm theo thiết kế, giá được phê duyệt, khách hàng cũng được phê duyệt nên không cần đấu thầu. Đề nghị giao thẳng cho đơn vị nào đủ năng lực để làm cho nhanh vì thủ tục này tốn rất nhiều thời gian.
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân lại cho rằng, nên chỉ định thầu cho các dự án nhà ở xã hội dưới 2.000 tỷ đồng, còn các dự án lớn hơn thì thực hiện đấu thầu.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đối với dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, trong quý 1/2025, cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 16.805 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng.
Trong đó, đã hoàn thành 11 dự án với quy mô 4.155 căn; đã được cấp phép, khởi công xây dựng 8 dự án với quy mô 12.650 căn.
Thực hiện đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước đã có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành 103 dự án với quy mô 66.755 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng 140 dự án với quy mô 124.352 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 414 dự án với quy mô 406.045 căn.