Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp với các đối tác của EU ở Praha, CH Czech ngày hôm qua 9/9. Năm nước này sẵn sàng thực thi cam kết bằng "bất kỳ công cụ pháp lý nào".
Trước đó, các quan chức Pháp đã đề cập khả năng cùng với Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan xúc tiến một quy trình pháp lý tại EU cho phép yêu cầu sự hợp tác của ít nhất 10 quốc gia thành viên. Năm nước này cũng tính đến khả năng thông qua việc áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tại nghị viện mỗi nước.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ được áp dụng vào năm tới trên toàn châu Âu hoặc ở từng quốc gia.
Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, Hungary đã ngăn chặn việc thông qua mức áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% trên toàn EU, với lý do đề xuất này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu.
Được biết, cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được gần 140 quốc gia, tương đương 90% nền kinh tế toàn cầu nhất trí vào năm ngoái. Kế hoạch này được cho là có thể thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Kế hoạch cải cách thuế doanh nghiệp nhằm vào các công ty đa quốc gia lớn và tránh việc các nước áp dụng mức thuế thấp để thu hút doanh nghiệp. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm thu nhập từ thuế và được xây dựng dựa trên 2 trụ cột.
Cụ thể, trụ cột đầu tiên nhằm phân bổ lại 25% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới để đảm bảo các công ty này trả phần thuế công bằng, bất kể vận hành và sinh lợi nhuận ở đâu.
Trụ cột thứ hai thiết lập thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên.