Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Thành phố (TP) Đà Nẵng - cũng đồng quan điểm với chúng tôi về điều này.
Thời gian vừa qua, Đà Nẵng liên tục lọt Top điểm đến toàn cầu và dành nhiều giải thưởng, vinh danh uy tín của Thế giới. Theo ông, đâu là những lý do khiến TP đạt được những thành công này?
Có 3 lý do khiến Đà Nẵng liên tiếp lọt vào Top điểm đến được ưa thích và được vinh danh trong những năm qua.
Một là, Đà Nẵng có vị trí đặc biệt chiến lược đối với nguồn khách Đông Bắc Á và Đông Nam Á, là điểm đến sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, nổi bật nhất là các sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái biển, sinh thái rừng núi, sông, hồ…, là cửa ngõ của các di sản văn hóa thế giới, ít có điểm đến nào có thể có được sự phối hợp sản phẩm phong phú như Đà Nẵng.
Hai là, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP và đặc biệt là cơ quan quản lý địa phương, mà cụ thể là Sở Du lịch Đà Nẵng. Toàn ngành đã xây dựng kế hoạch khai thác du lịch rất bài bản, tiếp cận chuyên nghiệp từ việc xác định cốt lõi của tài nguyên điểm đến; xác định sản phẩm mũi nhọn; quá trình triển khai để hình thành sản phẩm du lịch; thực hiện các hoạt động xúc tiến cho đến việc tổ chức đào tạo nhằm hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương nhưng nếu thiếu đi các nhà đầu tư chiến lược, những con sếu đầu đàn như Sun Group, Vingroup, Sovico, DHC Group,… và nhiều doanh nghiệp khác thì Đà Nẵng cũng khó đi đến thành công và được các giải thưởng uy tín do các tổ chức du lịch, cộng đồng du lịch thế giới vinh danh. Chính những nhà đầu tư lớn đã hình thành các sản phẩm du lịch đột phá như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort,Sun World Bà Nà Hills… đã đạt rất nhiều giải thưởng thế giới. Có thể tự hào rằng thế giới có những thương hiệu khách sạn lớn nào thì gần như đều có mặt ở Đà Nẵng như: Novotel, Hilton, Sheraton, Hyatt, JW. Marriott, Crown…
Ba lý do này luôn song hành với nhau, vừa là sự tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, vừa là sự quyết tâm cao độ của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư lớn.
Có ý kiến cho rằng vấn đề lớn của du lịch Đà Nẵng hiện nay là tổng lượt khách tăng nhưng doanh thu và số ngày lưu trú thấp. Để giải bài toán tăng doanh thu và số ngày lưu trú, giữ vững vị trí Top 1 điểm đến toàn cầu, phục hồi lại ngành du lịch sau dịch Covid-19, Đà Nẵng cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
Số liệu năm 2019 cho thấy mức chi tiêu bình quân của khách du lịch giảm xuống từ 5,22 triệu đồng xuống còn 4,652 triệu đồng, ngày lưu trú bình quân cũng giảm từ 3 ngày xuống còn 2,7 ngày; doanh thu của các dịch vụ lưu trú và lữ hành thấp.
Đây thực sự là một vấn đề rất bức thiết được đặt ra cho lãnh đạo và các cơ quan quản lý du lịch, cũng như cộng đồng kinh doanh du lịch toàn TP Đà Nẵng. Thực tế, Đà Nẵng có sự tăng trưởng khách rất nhanh, tuy nhiên theo xu thế chung, lượng khách chủ yếu đến từ khu vực Đông Bắc Á với 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong năm 2019 và trước đó, chỉ tính riêng 3 thị trường này đã chiếm khoảng 85% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. Sau giai đoạn dịch Covid-19, dù thiệt hại nặng nề những chúng tôi cũng xem đây là cơ hội để toàn ngành tái cấu trúc nguồn khách, chuyển dần từ việc khai thác khách theo chiều rộng và tăng trưởng nhanh sang việc khai thác khách theo chiều sâu với nguồn chi tiêu cao, số ngày lưu trú dài và khả năng bền vững nguồn khách tốt hơn.
Song song với đó, chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm để giữ chân cũng như “buộc” du khách phải tiêu tiền. Cuối năm 2019, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào các dự án, hoạt động dịch vụ du lịch về đêm thiết thực và hiệu quả nhằm sớm đưa vào hoạt động phục vụ du khách. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án này phải tạm hoãn.
Vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 79, cho phép 80 nước có công dân được cấp thị thực điện tử, trong đó có Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, UAE, Italy, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc... nhập cảnh vào Việt Nam từ 01/07/2020. Và nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trên thế giới, chúng tôi hy vọng kinh tế đêm sẽ là một con “át chủ bài” giúp nhanh chóng phục hồi ngành du lịch.
Ngành du lịch không chỉ đem đến sự bứt phá cho nền kinh tế, mà còn giúp tên tuổi Việt Nam vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế. Với Đà Nẵng, du lịch có phải là ngành kinh tế của tương lai?
Từ NQ08 của Bộ Chính trị Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến NQ43 của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đều xác định du lịch cả nước nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng sẽ là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh kế. Và thực tế, có nhiều điều kiện, cơ sở để khẳng định trong tương lai, du lịch sẽ trở thành một trong những trụ cột của kinh tế địa phương. Năm 2019, du lịch chiếm khoảng 10% theo cách tính bình thường trên tổng GDP, nếu theo cách tính mới là 13-14%.
Mức lan tỏa của ngành du lịch đến các ngành khác là rất lớn. Đơn cử qua dịch Covid-19, khi mà lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm đã kéo theo rất nhiều ngành kinh doanh khác bị ảnh hưởng. Vì vậy, du lịch giữ vai trò “xương sống” của kinh tế Đà Nẵng, chỉ khi du lịch phục hồi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra và dịch vụ phát triển sôi động sẽ tạo ra hiệu ứng domino tích cực cho nền kinh tế và các nhà cung cấp lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực.
Từ phía HHDL, chúng tôi luôn xác định rất rõ mục tiêu phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành một trong những trụ cột kinh tế địa phương. Chúng tôi luôn mong muốn làm sao để du lịch tạo sự an toàn cho du khách và phát triển bền vững, kéo theo đó là sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, góp phần đáng kể tăng ngân sách, tăng thu nhập xã hội và đặc biệt là tạo được sự lan tỏa, kế sinh nhai, thu nhập ổn định cho phần lớn cộng đồng dân cư địa phương.
Xin cảm ơn ông!