Phí bảo trì chung cư: Thu thế nào mới hợp lý?

Các quy định hiện hành về nhà chung cư, đặc biệt là phí bảo trì thể hiện sự thiếu kinh nghiệm về quản lý loại hình này.
Phí bảo trì chung cư: Thu thế nào mới hợp lý?

Trước đề xuất của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM về việc xem xét lại cách thức, thời điểm thu 2% phí bảo trì nhà chung cư sao cho phù hợp, nhiều chủ đầu tư, chuyên gia bất động sản đã đưa ra ý kiến của mình.

Có thể thấy cách thu, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì tại các chung cư hiện nay có nhiều lỗ hổng mà thiệt hại chủ yếu thuộc về các cư dân, những người phải đóng khoản phí ấy.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải (Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng phí bảo trì không nhất thiết phải thu ngay khi người mua ký hợp đồng, thanh toán tiền mua nhà mà có thể thu sau khi cư dân đã vào sinh sống tại chung cư. Cách thu nên chia nhỏ ra từng tháng, từng quý thay vì đóng một cục như hiện nay.

Là người có nhiều năm làm công việc quản trị chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu được thu phí bảo trì ngay từ đầu thì khi chung cư có sự cố sẽ có tiền để xử lý ngay, đảm bảo duy trì sự ổn định, an toàn cho hoạt động của cư dân.

Với đề xuất thu phí sau thời điểm bàn giao nhà, ông Hùng cho rằng rất khó thực hiện và mất thời gian. Chưa kể thu lắt nhắt từng khoản nhỏ, từng hộ rất lâu trong khi có những khoản kinh phí bảo trì rất lớn. Đại diện một công ty bất động sản tại TP.HCM cũng cho rằng nếu không thu trước, sau này ban quản trị (BQT) rất khó vận động được cư dân đóng tiền.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS L&L Group, hiện luật đã quy định rõ phí bảo trì do cư dân đóng và chủ đầu tư chỉ tạm thời quản lý, sau đó phải bàn giao cho BQT. Việc thu và sử dụng sao cho hiệu quả luật cũng có quy định rồi. Những tranh chấp hay tiêu cực xảy ra là cái sai thuộc về con người chứ không hẳn ở luật.

Về phía cư dân, anh Việt Dũng (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng phí bảo trì rất quan trọng nhưng cách thu chưa hợp lý. Tính phí bảo trì 2% giá bán nhà là quá nhiều, bởi giá căn hộ có thể rất cao do chủ đầu tư thổi giá. Theo anh, chỉ nên tính phí bảo trì trên chi phí xây dựng.

Nêu quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đồng ý việc chung cư mới xây xong thực tế chưa cần sử dụng phí bảo trì ngay vì nhà thầu luôn có chế độ bảo hành công trình, tối thiểu trong 24 tháng.

“Theo tôi nên chia nhỏ việc thu phí bảo trì ra hằng tháng sau khi cư dân vào ở, như vậy sẽ giảm được gánh nặng tài chính cho người dân. Nếu có việc cần kinh phí lớn thì BQT tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để thông báo để cư dân đóng thêm” - ông Châu đề nghị.

Cần làm khảo sát về phí bảo trì

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia bất động sản, cần có cuộc rà soát, khảo sát lại các chung cư đã bàn giao và đi vào hoạt động trong vòng ba, năm hoặc 10 năm để nắm được tình hình sử dụng quỹ bảo trì thực tế ra sao.

“Phải có con số rà soát khoa học làm cơ sở nhằm xác định thu 2% là hợp lý chưa, nên thu theo từng năm, từng tháng hay một lần. Ngoài ra, đối với đơn vị được giao quản lý phí bảo trì là BQT cũng phải có tư cách pháp nhân rõ ràng, quy định chế tài cụ thể thì việc quản lý mới thực sự hiệu quả” - ông Tín góp ý.

Trước những tranh chấp đang gia tăng tại các chung cư, khoảng 36% trong số đó liên quan đến phí bảo trì, nhiều cư dân cho rằng quỹ bảo trì của các chung cư rất lớn, có nơi lên đến 60-70 tỉ đồng. Việc giao một số tiền lớn như vậy cho chủ đầu tư tạm giữ là lãng phí vốn của cư dân, đồng thời đẩy đến sự trục lợi nguồn quỹ này. Thậm chí khi giao vào tay BQT cũng khó tránh khỏi tình trạng thiếu minh bạch, bằng chứng là nhiều chủ đầu tư thì chây ỳ bàn giao quỹ này cho BQT, còn BQT và một số chủ đầu tư cũng cắt xén, không rõ ràng khi sử dụng phí.

Do đó cơ quan quản lý phải có quy định, chế tài, truy cứu trách nhiệm cụ thể đối với BQT, chủ đầu tư trục lợi phí bảo trì của cư dân. Nên quy định rõ chủ tài khoản phí bảo trì phải có từ hai người trở lên, tránh sự lạm quyền.

Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Trí Hiếu, hiện BQT chỉ là ban đại diện cư dân sống trong tòa nhà, không có tư cách pháp nhân nên khi ra tòa, ban này không có tư cách đại diện cao.

Chẳng hạn, nếu BQT sử dụng phí bảo trì sai mục đích, có thua kiện thì việc thi hành án sẽ rất khó đối với một ban đại diện thay vì một công ty. “Tôi cho rằng cần một giải pháp hiệu quả hơn, đó là BQT tòa nhà nên được tổ chức như là một công ty trách nhiệm hữu hạn có đủ tư cách pháp nhân, con dấu. Chính quyền địa phương cũng nên có những bộ phận phụ trách việc giám sát các quy định để bảo vệ quyền lợi của dân cư sinh sống trong các chung cư” - ông Hiếu nói.

Theo Quang Huy/PLO

Có thể bạn quan tâm

Marina Central Tower thu hút khách thuê nhờ vị trí trung tâm

Marina Central Tower thu hút khách thuê nhờ vị trí trung tâm

Trong bối cảnh ngành bán lẻ cao cấp phát triển mạnh mẽ, xu hướng “xanh hóa” ngày càng phổ biến, Marina Central Tower - tòa văn phòng, trung tâm thương mại mới tại TP.HCM đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều khách thuê nhờ lợi thế đặc biệt…

Các đại biểu tại phiên tọa đàm: Dòng tiền chảy vào phân khúc nhà ở thương mại phía Nam - Nhận diện cơ hội đầu tư

Bất động sản phía Nam “khát” căn hộ vừa túi tiền

Với nền tảng pháp lý từ các luật mới có liên quan, giới phân tích đánh giá, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, sự dịch chuyển về nhu cầu và xu hướng đầu tư đang thể hiện rõ rệt hơn ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Căn hộ Sun Group chỉ từ 24-25 triệu/m2 dành cho ai?

Căn hộ Sun Group chỉ từ 24-25 triệu/m2 dành cho ai?

Sun Urban City Hà Nam không chỉ đơn thuần là một dự án bất động sản, đó là một kiệt tác kiến trúc, một thành phố thu nhỏ, nơi bạn có thể trải nghiệm trọn vẹn những giá trị sống bền vững...

HoREA đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

HoREA đề xuất giảm mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề xuất lãi suất cho vay ưu đãi của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nên từ 3,6% hoặc 5,76%/năm và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm...

Hà Nội: Dự án căn hộ tại quận Hoàng Mai hút khách nhờ sát kề loạt trường học chất lượng cao

Hà Nội: Dự án căn hộ tại quận Hoàng Mai hút khách nhờ sát kề loạt trường học chất lượng cao

Không cần tất bật đưa đón con đi học trong cảnh tắc đường, bụi bặm, thậm chí các con có thể tự tới trường chỉ sau vài phút đi bộ là điều khiến những khách hàng có nhu cầu ở thực “chấm” ngay dự án căn hộ Hanoi Melody Residences tại Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)…