Sau hơn 2 năm Chính phủ quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp tỷ đô, đến hết năm 2017, Nhà nước đã thoái vốn tại Vinamilk và Sabeco. Đây là cơ hội hiếm có để giới tài phiệt nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp lớn đầu ngành, từ đó thâm nhập sâu hơn thị trường Việt Nam.
Tỷ phú Thái thâu tóm bia và sữa
Ngày 18/12/2017 có lẽ sẽ được ghi vào bảng thành tích của Bộ Công thương khi thực hiện bán đấu giá thành công 343,66 triệu cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB). Phần vốn này chiếm 53,59% vốn điều lệ Sabeco – một tỷ lệ đảm bảo cho nhà đầu tư sở hữu cổ phần nắm quyền chi phối “ông lớn” bia Việt này. Vì lâu nay, Bộ Công thương vẫn đại diện Nhà nước sở hữu chi phối tới 89,59% vốn Sabeco và tiến trình thoái vốn diễn ra ì ạch suốt nhiều năm…
Như một kịch bản “hoàn hảo”, giá bán cổ phần Sabeco được giữ kín dù thị giá SAB trên sàn “nóng” từng ngày, liên tục tăng trần lên tới mức kỷ lục 339.000 đồng/CP. Đây là mức giá quá đắt đỏ và vượt tầm với của nhiều nhà đầu tư trong nước. Trước sức nóng bất thường này, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giám sát, theo dõi chặt tình hình giao dịch cổ phiếu SAB.
Với quy mô thoái vốn lên tới tỷ đô, nên đến cận ngày đấu giá, chỉ có 1 tổ chức duy nhất - Công ty TNHH Vietnam Beverage đăng kí mua toàn bộ lô 53,59% cổ phần SAB. Theo quy định, phiên đấu giá cạnh tranh chỉ đủ điều kiện khi có tối thiểu 2 nhà đầu tư tham gia. Bất ngờ xảy đến vào phút chót, 1 cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển (Hà Nội) đăng kí mua khối lượng tối thiểu 20.000 cổ phiếu SAB với giá 320.500 đồng/CP.
Nhờ đó, phiên đấu giá mới diễn ra suôn sẻ, bán hết lượng chào bán, thu về cho Nhà nước hơn 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD. Trong đó, công ty TNHH Vietnam Beverage ước tính đã chi ra 109.965 tỷ đồng với mức giá 320.000 đồng/CP để sở hữu 53,3% vốn Sabeco.
Bất ngờ hơn khi Vietnam Beverage chỉ vừa mới được thành lập ngày 6/10/2017 tại một căn nhà trong ngõ nhỏ tại Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ 682 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100% vốn. Được biết, CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam là đơn vị do Beerco Limited-công ty con của ThaiBev, một doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Từ trước đó, ông chủ ThaiBev đã nhòm ngó muốn thâu tóm Sabeco và tập đoàn này cũng đã gián tiếp sở hữu 16% cổ phần Vinamilk từ lâu thông qua đại diện F&N Dairy Investments PTE.Ltd. Gần đây, tổ chức này còn đăng ký mua thêm cổ phiếu VNM, nhằm tăng sở hữu lên gần 18% trong thời gian tới. Hiện tại, số cổ phần mà F&N nắm giữ tại Vinamilk có giá thị trường lên tới 55.600 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD.
Quyền lực “ngầm”
Giữa tháng 11/2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán đấu giá cạnh tranh thành công 48,33 triệu cổ phiếu, chiếm 3,33% vốn Vinamilk. Đợt thoái vốn này thu hút 19 nhà đầu tư đăng ký mua (6 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, 5 nhà đầu tư tổ chức và 8 cá nhân trong nước) với khối lượng đặt mua 73.843.400 cổ phần.
Kết quả, chỉ duy nhất một tổ chức nước ngoài trúng đấu giá ôm trọn lô 48,33 triệu cổ phần VNM với giá trúng 186.000 đồng/CP, cao hơn giá khởi điểm 24% và cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày là 7%. Danh tính nhà đầu tư đã chi gần 9.000 tỷ đồng mua cổ phần VNM này đã không được tiết lộ, song thị trường đồn đoán bên mua có thể là tổ chức liên quan đến F&N và tỷ phú Thái.
Với tham vọng mở rộng thị trường ngành hàng đồ uống, thực phẩm, Thaibev đã đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp bia, sữa, bất động sản tại Việt Nam. Nhà đầu tư tầm cỡ này đã giúp cho 2 đợt thoái vốn lớn tại Vinamilk và Sabeco thành công, đem về cho Nhà nước nguồn thu rất lớn.
Mặc dù chịu chi mức giá đắt đỏ và lỗ ngắn hạn, nhưng các công ty của tỷ phú Thái được cho là sẽ “gặt mùa vàng” trong dài hạn. Nhất là khi sở hữu chi phối Sabeco – doanh nghiệp nắm 41% thị phần bia Việt Nam Thaibev sẽ nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh cũng tầm ảnh hưởng ở khu vực, dự kiến đóng góp tới 50% tổng doanh thu của tập đoàn.
Sabeco trong nhiều năm qua vẫn là “cỗ máy in tiền” với doanh thu, lợi nhuận không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2016, doanh thu của Sabeco đạt hơn 38.554 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt 27% kế hoạch đạt mức 4.655 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Sabeco ghi nhận doanh thu 24.208 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.524 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 5.219 đồng/CP.
Tại 30/9/2017, vốn chủ sở hữu của Sabeco tăng mạnh lên 15.899 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ vẫn còn khiêm tốn ở mức 6.413 tỷ đồng. Nhưng “cỗ máy in tiền” này đã tạo ra nguồn lợi nhuận tích tụ khủng, đến hết quý 3/2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã tăng gấp đôi lên mức 7.265 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khởi sắc cùng với thông tin đợt thoái vốn lớn là yếu tố chính giúp cổ phiếu SAB “thăng hoa” trên sàn chứng khoán. Mặc dù thanh khoản SAB rất thấp, song với quy mô vốn hoá lớn, biến động giá cổ phiếu này đã góp phần kéo chỉ số VN-Index tăng điểm ấn tượng vào nhiều thời khắc quan trọng, vượt mốc 950 điểm.
Giới đầu tư đang râm ran về khả năng Sabeco có thể phát hành cổ phần tăng vốn thông qua một số hình thức phổ biến là trả cổ tức và thưởng cổ phiếu, chào bán cổ phần… Quy mô doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên và hàng nghìn tỷ lợi nhuận sẽ tiếp tục “ở lại” doanh nghiệp để tái đầu tư. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại đây có thể sẽ tiếp tục “teo” dần khi Chính phủ tiếp tục thoái hết vốn tại bia, nhường sân chơi cho tài phiệt nước ngoài.
Hơn nữa, giá trị cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng trưởng sau chia tách để tạo nên khối tài sản khổng lồ cho chủ sở hữu lớn. Đó mới chính là lợi ích lâu dài mà bất kỳ ông chủ doanh nghiệp nào hay tổ chức thâu tóm đều nhắm tới.