Trong khu phố cổ Hà Nội, tên gọi của phố thường gắn liền với các sản phẩm được giao thương buôn bán. Phố Hàng Buồm không phải là ngoại lệ. Vốn là điểm trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long xưa, Hàng Buồm nằm đúng ở nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng - một vị trí đắc địa, rất thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh thương mại. Thuyền hàng xuôi theo dòng nước, đậu nơi cửa phố, tập kết hàng hóa rồi tiếp tục đổ về cho các mối ở các địa phương. Mặt hàng kinh doanh chính của các tiểu thương trên phố là các loại buồm được may bằng vải dùng cho thuyền bè; các loại túi, bị, buồm đan bằng cói.
Trong dòng chảy giao thương đó, người Hoa ở Quảng Đông theo các mối hàng đã đặt chân trên đến phố Hàng Buồm và cùng nhau sinh sống, gắn bó lâu dài ở đây để tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Hàng Buồm từ đó còn có một tên gọi khác là phố Khách.
Xưa nằm ở cửa sông, nay nằm trên trục kinh doanh thương mại lâu đời của Hà Nội, kết nối với chợ Đồng Xuân - một trong những đầu mối giao dịch hàng hóa lớn nhất miền Bắc nên ở giai đoạn nào, Hàng Buồm vẫn là nơi buôn bán tấp nập sầm uất nhất nhì của Hà Nội. Tiểu thương trên phố, dù ở thời nào, cũng rất năng động và bắt nhịp nhanh với thời cuộc để kinh doanh kiếm lời. Trước thì nổi danh với nghề làm buồm, sau này phố trở thành nơi có hệ thống nhà hàng, quán ăn, cửa hàng chuyên doanh bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát lớn của Hà Nội. Nếp kinh doanh này vẫn được duy trì và phát triển trên con phố nhỏ cho đến ngày hôm nay.
Đặc biệt, những nét văn hóa đặc trưng của con phố chứng kiến sự giao thoa, kết nối thương nghiệp từ hàng trăm năm trước vẫn còn hiện hữu trong những nếp nhà, trên từng góc phố. Người Hoa ở Hàng Buồm đến nay không còn nhiều nhưng họ đã để lại những dấu ấn đặc sắc, trong đó có món thịt quay nức tiếng cả nước. Từ hơn 50 năm trước, người Hà Nội sành ăn đã nhắc đến hàng loạt cửa hàng thịt quay nằm ở dãy nhà số lẻ của phố như Phú Điền (số nhà 103), Trung Ký (số nhà 109), Đông Phú (số nhà 117) và đối diện là cửa hàng Vạn Thành (số 108)… Trong số những cái tên này, đến nay Vạn Thành vẫn là cửa hàng sáng đèn. Đến nay, chưa cửa hàng thịt quay nào ở Hà Nội vượt qua được Vạn Thành về thâm niên bán hàng, số lượng cung ứng, chất lượng và uy tín với khách hàng.
“Đền Bạch Mã vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc xưa, vẫn chính vị tại hướng chính đông của tòa kinh thành xưa, nguyên vị tại chỗ mà nó đã được giao nhận trách nhiệm vừa trấn giữ, vừa làm mốc giới cho cõi cực đông của kinh đô Đại Việt.
Thế nên, đồng nghiệp của tôi đã chuyển nhà từ phố cổ ra khu phố mới Mỹ Đình nhưng đến bữa muốn ăn miếng thịt quay, chị lại dắt xe, đi gần chục km lên phố Hàng Buồm để xếp hàng chờ mua vài ba lạng thịt quay. Hà Nội thời nay, mở cửa ra đường là có đồ ăn phục vụ tận nơi, há chi phải cầu kỳ, mất công sức và thời gian đến vậy? Chị chỉ cười mà rằng: Những người đã từng thưởng thức miếng thịt quay của Hàng Buồm từ thời bao cấp gian khó và thiếu thốn đều không thể quên hương vị thơm ngon của miếng thịt quay bì giòn, thịt mềm và thơm, chấm cùng nước sốt đặc sánh dậy mùi và miếng kiệu chua ngọt rất đưa cơm, nhất là trong những ngày đông lạnh.
Cùng chị đến phố Hàng Buồm những ngày cuối năm vào giờ tan tầm buổi chiều, phố đông và gió lạnh buốt nhưng thật lạ, trước số nhà 108, dòng người dài đang cần mẫn xếp hàng chờ đến lượt, không ai chen ngang, không ai thúc giục. Bên trong cửa hàng, người chặt thịt, người nhận tiền, tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ. Giá bán thịt quay ở Vạn Thành, thậm chí, còn cao hơn các nơi khác nhưng trong dòng người xếp hàng mỗi ngày, ngoài những khách hàng quen từ các con phố lân cận, còn có rất nhiều người từ phố mới, vùng ven đô không quản ngại đường xa, cất công tìm về mua một miếng thịt quay ngon như đồng nghiệp của tôi. Cái sự ăn uống của người Hà Nội lâu nay vẫn tinh tế và cầu kỳ đến vậy nhưng sự tồn tại của cửa hàng kinh doanh thịt quay thuộc loại kỳ cựu của Hà Nội cho thấy, chỉ có chất lượng kinh doanh mới có thể tạo dựng được thương hiệu, niềm tin và chữ tín với khách hàng.
“Những người đã từng thưởng thức miếng thịt quay của Hàng Buồm từ thời bao cấp gian khó và thiếu thốn đều không thể quên hương vị thơm ngon của miếng thịt quay bì giòn, thịt mềm và thơm, chấm cùng nước sốt đặc sánh dậy mùi và miếng kiệu chua ngọt rất đưa cơm, nhất là trong những ngày đông lạnh.
Hàng Buồm còn tự hào với những di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội như đền Quan Đế, đền cổ Bạch Mã linh thiêng và nổi tiếng - một trong tứ trấn của Thăng Long xưa. Đền thờ thần Long Đỗ và ngựa trắng, được xây dựng từ hơn nghìn năm trước. Đáng quý nhất, đền Bạch Mã là ngôi đền cổ lâu đời nhất trong số các ngôi đền xưa của kinh thành Thăng Long còn sót lại được tới nay. Dù qua một số lần tôn tạo nhưng theo GS sử học Lê Văn Lan, đền Bạch Mã vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc xưa, vẫn chính vị tại hướng chính đông của tòa kinh thành xưa, nguyên vị tại chỗ mà nó đã được giao nhận trách nhiệm vừa trấn giữ, vừa làm mốc giới cho cõi cực đông của kinh đô Đại Việt: phường Hà Khẩu - nơi cửa sông Tô Lịch giao nước với sông Hồng.
Sự tồn tại của đền gắn liền với nhiều sự tích hư thực đã từng được sử sách ghi lại. Theo GS Lê Văn Lan, một tư liệu có niên đại thế kỷ 13, thời Trần cho biết: Kinh thành Thăng Long lúc này thường xảy ra cháy lớn, khu vực dân cư đông đúc phồn thịnh phía đông - tức "khu phố cổ" Hà Nội bây giờ - mấy phen bị lửa thiêu rụi, nhưng lần nào hỏa tai cũng ngừng lại khi lửa chỉ mới bén đến gần đền! Vì thế, cho đến nay, trong đền vẫn lưu giữ được cả một tài sản phi vật thể vô giá, trong đó có cả lời thơ ca vịnh của chính Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải: "Lửa bốc ba lần không cháy đến/ Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng!". Vì thế, đến thăm đền, không chỉ là đến cõi tâm linh mà còn để "cảm" khí phách linh diệu của tinh thần dân tộc mấy nghìn năm. Đây là một trong những địa chỉ "phải có, phải đến" trong lịch trình của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Thủ đô.
Không chỉ du khách phương xa mà ngay cả những người con của Hà Nội, mỗi lần ghé qua phố đều có những cảm nhận thật gần gũi và thú vị. Phố nhỏ gợi nhớ về miền ký ức đẹp của Hà Nội, tuy xa về thời gian y nhưng cũng thật gần gũi và quen thuộc.