Trong buổi phỏng vấn trực tiếp tại Hội nghị DealBook Summit do New York Times tổ chức ở New York (Mỹ), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được hỏi rằng liệu đà tăng giá cũng như vai trò ngày càng nổi bật của Bitcoin có phản ánh sự mất niềm tin vào đồng USD và hệ thống của Fed hay không.
“Tôi không nghĩ rằng mọi người nhìn nhận theo cách đó. Mọi người sử dụng Bitcoin như một tài sản đầu cơ. Nó giống như vàng, chỉ khác ở chỗ nó là tài sản ảo, kỹ thuật số. Chúng ta không dùng nó làm phương tiện thanh toán hay nơi lưu trữ giá trị bởi đặc tính rất biến động của nó”, ông Jerome Powell trả lời.
Ông cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng Bitcoin không phải là đối thủ cạnh tranh của đồng USD, mà thực chất, nó là đối thủ của vàng. “Đó là cách tôi nhìn nhận vấn đề”.
Cả vàng và Bitcoin đều đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong năm nay, ngay cả khi đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác. Tính từ đầu năm, giá vàng đã leo gần 30% trong khi Bitcoin liên tục phá đỉnh và chứng kiến đà “bùng nổ” lên tới 135%.
Đáng chú ý, sáng 5/12, đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới chính thức thiết lập một dấu mốc lịch sử mới, thậm chí vượt trên mức dự báo của các chuyên gia và tiến sát ngưỡng 102.000 USD, tương ứng mức tăng 5,5% so với ngày trước đó.
Trên thực tế, giá Bitcoin đã cho thấy vô số tín hiệu tích cực kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2028. Bản thân ông Trump và nhiều thành viên đảng Cộng hoà tham gia vào Quốc hội đều có cái nhìn thân thiện đối với tiền điện tử, từ đó thúc đẩy thêm kỳ vọng của thị trường về tiền số.
Cũng trong Hội nghị tại New York, ông Jerome Powell còn được hỏi về sự độc lập của Fed và liệu điều này có thể bị thách thức bởi chính quyền ông Donald Trump sắp tới hay không.
“‘Độc lập’ nghĩa là gì? Về cơ bản, nó có nghĩa là chúng tôi có thể đưa ra quyết định mà không bị đảo ngược, trừ phi Quốc hội can thiệp. Chúng tôi là một thực thể được Quốc hội thành lập, chúng tôi không ghi trong Hiến pháp mà là kết quả của các đạo luật. Điều này cho phép Fed đưa ra các quyết định nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân Mỹ, chứ không phục vụ bất kỳ đảng phái hay mục tiêu chính trị nào”, ông Powell giải thích.
Ý tưởng về tính độc lập này từ lâu đã luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cả hai đảng trong Quốc hội, ông Powell cho biết thêm. “Đây là luật pháp quốc gia, và tôi không lo ngại rằng Fed có nguy cơ mất đi sự độc lập về mặt luật định, vì còn có rất nhiều người đặt niềm tin mạnh mẽ vào khái niệm này”.
Khi được hỏi về tác động tiềm tàng đối với kinh tế Mỹ từ các đề xuất áp thuế của chính quyền Donald Trump, ông Powell cho biết hiện còn quá nhiều điều chưa rõ ràng liên quan đến chính sách thuế quan ở thời điểm này.
“Chúng ta chưa biết mức thuế sẽ như thế nào, thời điểm áp dụng ra sao và kéo dài trong bao lâu. Chúng ta cũng chưa biết hết những mặt hàng nào bị áp thuế, hoặc các quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta chưa thể dự đoán được hết những tác động đến giá cả, hay phản ứng của thị trường và nền kinh tế. Chúng ta cũng không rõ liệu các quốc gia khác có đáp trả hay không. Đây mới chỉ là một phần ẩn số, nên thật khó để có thể đưa ra chính sách ứng phó theo một số viễn cảnh mơ hồ phía trước”, chủ tịch Fed giải thích thêm.
Ông Jerome Powell kết luận, trong khi các nhà chức trách phải tiếp tục theo dõi, phân tích và đánh giá diễn biến kinh tế - chính trị, thì các quyết định đưa ra lúc này phải phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở hiện tại, chứ không dựa trên yếu tố hay rủi ro tiềm tàng trong tương lai.