Từ ngày 28/4 - 1/5/2025, Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc đã tổ chức chuyến famtrip - chuyến đi tìm hiểu, làm quen, tiếp thị du lịch Phú Quốc cho hơn 70 doanh nghiệp lữ hành của một số tỉnh ở miền Bắc gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương...
Chuyến famtrip là một hoạt động nằm trong chương trình "Ngày hội du lịch, ẩm thực Phú Quốc năm 2025". Xuyên suốt chuyến famtrip, các doanh nghiệp lữ hành được trải nghiệm nhiều dịch vụ như đi bộ dưới đáy biển và tham quan trang trại nuôi ngọc trai tại Ngọc Hiền Sea ở Rạch Vẹm; tham quan khu bảo tồn động vật hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc; công viên chủ đề VinWonders Phú Quốc; đi ca nô khám phá các đảo nhỏ; trải nghiệm cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới; xem show diễn Kiss of the sea...
Kết thúc chương trình, mặc dù rất bận rộn và còn khá mệt mỏi vì 4 ngày đêm rong ruổi cùng đoàn doanh nghiệp lữ hành, nhưng ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc vẫn dành cho Thương gia buổi phỏng vấn.
KIẾN TẠO HỆ SINH THÁI HỢP TÁC DU LỊCH
Trong chuyến famtrip, Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc đã ký biên bản hợp tác với hiệp hội du lịch của một số tỉnh. Thưa ông, những điểm nhấn trong các biên bản hợp tác đó là gì?
Trước hết, tôi cho rằng điểm nhấn lớn nhất chính là tinh thần chủ động kết nối và hợp tác liên vùng – điều mà trước đây các hội nghề nghiệp địa phương chưa làm được một cách bài bản.
Trong các biên bản ký kết giữa Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Thái Nguyên, chúng tôi không chỉ dừng lại ở những lời cam kết chung chung, mà cụ thể hóa thành những điều khoản hợp tác có tính khả thi cao như chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng, kết nối tour tuyến, đào tạo chéo giữa các bên, và đặc biệt là cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng độc đáo.
Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc cùng các đối tác sẽ hiện thực hóa các nội dung hợp tác bằng những chương trình hành động như nào, thưa ông?
Kỳ vọng của chúng tôi sau ký kết là các cam kết sẽ không chỉ dừng lại trên giấy, mà thực sự tạo ra giá trị. Chúng tôi muốn thúc đẩy lượng khách hai chiều, đồng thời hình thành một mạng lưới hợp tác mà ở đó, các bên cùng phát triển, cùng chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm với sự phát triển bền vững của du lịch quốc gia.
Do đó, ngay sau khi ký kết, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng các chương trình hành động cụ thể, trong đó nổi bật là việc triển khai các tour khảo sát hai chiều – từ Phú Quốc ra Bắc và ngược lại – để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn tiềm năng hai bên.
Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm chuyên đề giữa các hướng dẫn viên, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, đồng nhất thông tin, và xây dựng bộ tiêu chuẩn dịch vụ chung. Về lâu dài, chúng tôi hướng tới việc kiến tạo một hệ sinh thái du lịch hợp tác, trong đó các hội nghề nghiệp không chỉ là nơi sinh hoạt mà thực sự trở thành trung tâm kết nối giữa chính quyền – doanh nghiệp – người làm nghề.
PHẢI ĐỂ NGƯỜI KHÁC NÓI VỀ PHÚ QUỐC
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc đã rất thành công trong việc tiếp thị du lịch Phú Quốc. Với tư cách là Trưởng ban tổ chức, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chuyến famtrip vừa khép lại?
Với vai trò là Trưởng ban tổ chức, tôi có thể nói rằng chương trình famtrip lần này đã đạt được hiệu quả vượt mong đợi. Đây không chỉ là dịp quảng bá tài nguyên và sản phẩm du lịch của Phú Quốc, mà còn là nơi để các doanh nghiệp lữ hành trong nước có cái nhìn mới, toàn diện và thực tế về điểm đến. Thành công lớn nhất chính là việc chúng tôi đã chuyển tải được tinh thần hiếu khách, tính chuyên nghiệp và tiềm năng hợp tác lâu dài của Phú Quốc.
Ngoài ra, famtrip cũng là dịp để ngành du lịch Phú Quốc “soi gương” lại chính mình, xem mình đang ở đâu, còn gì thiếu sót, và cần cải thiện gì để nâng tầm chất lượng phục vụ và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ thị trường.
Để các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại Phú Quốc và các đơn vị lữ hành hợp tác lâu dài sau chuyến famtrip, ông có những lời khuyên và khuyến nghị gì đối với họ?
Theo tôi, sự hợp tác bền vững chỉ có thể tồn tại trên nền tảng của sự chuyên nghiệp, minh bạch và cùng có lợi.
Tôi khuyến nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Phú Quốc cần tiếp tục đầu tư cho chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao thái độ phục vụ và khả năng thích ứng với thị trường. Với các công ty lữ hành, cần thường xuyên cập nhật sản phẩm, mở rộng tệp khách phù hợp với đặc trưng của Phú Quốc như nghỉ dưỡng cao cấp, trải nghiệm văn hóa bản địa và du lịch xanh.
Ngoài ra, giữa các bên cần duy trì liên lạc chặt chẽ, phản hồi lẫn nhau sau mỗi đoàn khách để kịp thời điều chỉnh. Có như vậy, sự hợp tác mới không bị đứt gãy sau những cái bắt tay ban đầu.
Dù được đánh giá là thành công, nhưng dưới góc nhìn của chúng tôi chương trình vẫn còn một số hạt sạn rất nhỏ, điển hình như đối tượng tham gia không được chọn lọc kỹ nên chưa mang lại hiệu quả tuyệt đối. Ý kiến của ông về vấn đề này như nào?
Tôi xin được cung cấp thêm một góc nhìn khác từ phía ban tổ chức. Trên thực tế, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để làm việc chặt chẽ với các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp đầu ngành tại Quảng Ninh, Thái Nguyên và một số tỉnh thành trọng điểm khác để bảo đảm rằng những người được mời tham dự famtrip lần này là những người thực sự có khả năng triển khai tour, kết nối khách, và có mong muốn hợp tác lâu dài với Phú Quốc.
Chúng tôi không chọn đại trà, mà lựa chọn theo mục tiêu rõ ràng, tiếp cận các doanh nghiệp đang có tệp khách phù hợp với đặc thù sản phẩm của Phú Quốc – từ nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch MICE cho đến trải nghiệm thiên nhiên. Nhiều đơn vị sau chuyến đi đã bắt tay ngay vào việc thiết kế tour mới, một số khác đang lên kế hoạch đưa khách đến Phú Quốc trong mùa cao điểm sắp tới. Đó là những minh chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả thực chất, và cũng cho thấy đối tượng tham dự đã được chọn lọc kỹ lưỡng.
Tất nhiên, không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối. Có thể vẫn còn một vài trường hợp chưa thực sự nổi bật trong quá trình kết nối, nhưng tôi tin rằng, với vai trò là chất xúc tác, chuyến famtrip này đã mở ra được cánh cửa ban đầu – và đôi khi, những hạt giống cần thời gian để nảy mầm. Điều quan trọng là chúng ta đã gieo đúng nơi, đúng người, và đúng thời điểm.
Là người sinh ra, lớn lên và đóng góp lâu năm cho sự phát triển ngành du lịch của Phú Quốc, theo quan điểm của cá nhân ông, ngoài chương trình như chuyến famtrip vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc cùng các cơ quan liên quan cần triển khai những chương trình gì khác nhằm thu hút sự hợp tác của các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để giúp tăng cường vị thế của Phú Quốc trên thị trường du lịch?
Famtrip là bước đi cần thiết, nhưng chưa đủ. Để nâng tầm vị thế Phú Quốc, tôi đề xuất cần thêm các chương trình như hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch, diễn đàn lữ hành toàn quốc tại Phú Quốc, chuỗi đào tạo quốc tế cho lực lượng lao động ngành du lịch, và đặc biệt là tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm du lịch dành cho doanh nghiệp trẻ.
Ngoài ra, việc quảng bá du lịch Phú Quốc cần chuyển từ “đi nói về mình” sang “để người khác nói về mình” – thông qua việc mời các travel blogger, nhà làm phim, nhà báo quốc tế đến trải nghiệm và kể câu chuyện Phú Quốc theo cách của họ. Đây là hướng đi giúp thương hiệu du lịch Phú Quốc lan tỏa một cách tự nhiên, chân thực và bền vững hơn rất nhiều.
Xin cám ơn ông!