Đường sắt có chiều dài 84km, nối liền “biển và hoa”. Đây là đường sắt răng cưa cổ duy nhất tại Châu Á, đồng thời cũng là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất, có độ dốc cao nhất trên thế giới.
Cùng với Pinlatus-Bahn tại Thụy Sĩ, tuyến tàu hỏa Phan Rang - Đà Lạt ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt thế giới. Tuy nhiên, sau năm 1975, tuyến đường sắt này bị dừng hoạt động và tháo dỡ, mang đến nhiều nuối tiếc cho du khách cũng như người dân bản địa nơi đây. Chính vì vậy, việc khôi phục lại chuyến tàu này sẽ mang tới cơ hội lớn cho hoạt động du lịch tại các tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận.
Sau khi sửa chữa và hoàn thiện, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt sẽ là chuyến tàu di sản của Đông Dương - chuyến tàu tương tác văn hóa đầu tiên trên thế giới. Chuyến tàu đặc biệt này như một “sân khấu sống, bảo tàng sống”, đưa du khách ngược dòng thời gian, đắm chìm, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn 100 năm trước.
Theo đó, cung đường dài 84km sẽ được chia làm 17 trạm với 6 trạm chính; khu vực nhà ga của từng trạm sẽ được thiết kế, xây dựng thành các điểm đến trải nghiệm với câu chuyện độc đáo của văn hoá bản địa cùng các sản phẩm du lịch cao cấp.
Theo quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành tháng 10/2021, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt được đặc biệt ghi nhận trong chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với những dấu hiệu tích cực về việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là du lịch của Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 cũng như chủ trương xã hội hóa đa lĩnh vực của nhà nước, sự đầu tư nghiên cứu của của đơn vị thực hiện, dự án khôi phục tuyến đường sắt di sản Phan Rang - Đà Lạt xứng đáng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp cũng như của toàn xã hội.