Mới đây, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) đã thông báo về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cụ thể, liên quan đến đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5/2024 đến ngày 10/9/2024, PNJ đã nhận được Quyết định số 648/QĐ-XPHC ngày 2/10/2024 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền là 1,34 tỷ đồng.
Nguyên nhân xử phạt là do PNJ ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
PNJ cho biết sẽ chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ các quyết định của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.
Ở một diễn biến khác, PNJ đã chính thức tăng vốn điều lệ từ 3.347 tỷ đồng lên gần 3.381 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số vốn này được chia thành 338 triệu cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 9, PNJ đã có báo cáo về kết quả phát hành cổ phiếu ESOP của công ty. Theo đó, công ty đã phân phối xong gần 3,35 triệu cổ phiếu cho tổng cộng 176 người.
Sau đợt phát hành, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của PNJ là hơn 337,9 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu quỹ là 169.559 cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm nay, PNJ ghi nhận 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 27% với cùng kỳ, thực hiện được 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ, thực hiện 61% mục tiêu năm đặt ra.
Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm của PNJ, chiếm tỷ trọng lớn nhất (53%) là mảng trang sức bán lẻ, khoảng 14.239 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Để có được sự tăng trưởng khả quan này, công ty đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Đứng ở vị trí thứ hai về doanh thu là vàng 24K (chiếm 36,9%), đạt khoảng 9.914 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ nhờ sự sôi động của thị trường trong nửa đầu năm.
Còn nguồn thu từ trang sức bán sỉ tăng 28% so với cùng kỳ lên 2.472 tỷ đồng, chiếm 9,2% doanh thu do nhu cầu khách hàng sỉ dịch chuyển về các nhà sản xuất chính quy, bài bản.
Hồi tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật thanh tra và các quy định có liên quan, tập trung vào các nội dung bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.