Không còn phát hành mới, PVN vẫn giảm sở hữu xuống 51% qua thoái vốn
Trả lời câu hỏi của các cổ đông tại ĐHĐCĐ lần thứ nhất sáng nay về việc tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược trong phương án phát hành, Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ bất ngờ cho biết việc lựa chọn cổ đông chiến lược không còn nữa.
Một cổ đông đã đề nghị lãnh đạo PV Power giải thích rõ lý do dù có rất nhiều đối tác quan tâm theo chia sẻ từ phía công ty tại buổi roadshow trước đó.
“Không thể nói việc tìm kiếm là thất bại. Sở dĩ PV Power không thể hoàn thành phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là vì không đủ thời gian”, lãnh đạo PV Power cho hay.
Theo ông Hồ Công Kỳ, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cần qua các bước khảo sát, mời chào, ký thỏa thuận ràng buộc, không ràng buộc, trình lên Thủ tướng xét duyệt danh sách ngắn (shorted list). Phía PV Power đã tiếp xúc 100 đối tác, ký thỏa thuận không bảo mật với 30 đối tác cả trong lĩnh vực tài chính lẫn năng lượng. Ở vòng danh sách ngắn, PV Power đã có đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…
Theo quy định, PV Power có 3 tháng để tìm nhà đầu tư chiến lược kể từ khi Thủ tướng thông qua phương án cổ phần hóa.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng Giám đốc PV Power, cho biết việc tìm kiếm các nhà đầu tư huy động nguồn vốn tổng cộng 10.000 tỷ trong vòng 3 tháng là “không cách thực hiện được”.
Ban đầu, ban chỉ đạo cổ phần hóa từng đề cập sẽ xem xét việc nới thêm thời gian tìm nhà đầu tư chiến lược. PV Power đã xin kéo dài đến tháng 7/2018. Phía Bộ Công thương cũng đã trình lên Thủ tướng nhưng Bộ Tài chính không đồng ý.
Lãnh đạo công ty cũng nói thêm lý do khiến PV Power ngừng việc tìm cổ đông chiến lược là để PV Power có thể tổ chức được ĐHĐCĐ, đáp ứng quyền hưởng cổ tức. Thay vì phần vốn bán cho cổ đông chiến lược bị treo “lơ lửng”, số cổ phần trên đã nhập vào phần vốn PVN nắm giữ, qua đó tăng sở hữu của PVN tại PV Power từ 51% lên gần 79,94%. Lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu của PVN xuống còn 51% vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2018-2019 nhưng sẽ thông qua hình thức thoái vốn.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Hòa quy định thoái vốn theo lô giúp việc bán vốn lượng cổ phần lớn dễ dàng. Giải thích thêm, ông Hòa cũng cho biết dù qua phương thức phát hành cổ phần mới hay PVN thoái vốn thì phần chênh lệch giữa giá bán và mệnh giá đều thuộc về PVN.
Nếu có thể tái cấu trúc được khoản vay tại Nhiệt điện Vũng Áng 1, PVN có thể tiếp tục giảm sở hữu xuống dưới 51% mà không cần chờ đến năm 2025.
Theo ông Đinh Văn Sơn, đại diện từ cổ đông lớn Tập đoàn, bản thân PVN cũng mong muốn các cổ đông lớn khác tham gia. HĐQT PV Power sẽ không còn tình trạng 100% là thành viên Tập đoàn.
Lên sàn HoSE trước cuối năm?
Câu chuyện chuyển sàn niêm yết sang HoSE cũng là một trong các nội dung được quan tâm hàng đầu. Việc chuyển sàn HoSE theo lãnh đạo PV Power nhiều khả năng sẽ thực hiện trước việc lựa chọn cổ đông lớn PVN thoái vốn.
Vướng mắc lớn nhất của PV Power là việc công tác quyết toán cổ phần hóa không thể kịp trước báo cáo 6 tháng.
"PV Power sẽ làm việc với Deloite để không có loại trừ. Đây là vấn đề duy nhất có thể ảnh hưởng đến việc PV Power chuyển sàn. Các chỉ tiêu khác đều đã thỏa mãn điều kiện để niêm yết HoSE". Ông Hòa cũng cho biết nếu được chấp nhận thì việc sang HoSE không phải cuối năm mà sớm hơn một vài tháng.
Theo Người đồng hành