Quảng bá du lịch: Mạnh chi chưa đủ…

Hà Nội sẽ dành 2 triệu USD để quảng bá điểm đến trên CNN trong hai năm 2017-2018, một con số hết sức đáng kể nếu so với ngân sách đầu tư cho xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch cả năm 2015 là 2,5 tr
Quảng bá du lịch: Mạnh chi chưa đủ…

Trích đoạn của clip về Hà Nội sẽ phát trên CNN khiến cho chính người Hà Nội cũng phải giật mình về một mảnh đất ngàn năm văn hiến. Nhưng “vẻ đẹp bất tận” của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung, còn cần nhiều hơn con số triệu USD để được biết tới.

Năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng đột phá của du lịch Việt Nam khi đón vị khách thứ 10 triệu vào dịp cuối năm. Khách quốc tế tăng trưởng ở mức 25,4% so với năm trước. Để đạt được kết quả đó có nguyên nhân do Việt Nam đã quyết định đầu tư cho quảng bá, xúc tiến du lịch đi cùng với những cải cách như miễn visa cho 15 nước Tây Âu hay cấp thị thực điện tử. Nhưng tăng lượng khách đến mới chỉ là một vế. Chúng ta cần thu hút sự trở lại của du khách, đó mới là vế quan trọng còn lại của phát triển du lịch.

Người đi người hãy trở lại

Người đứng đầu ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn từng rất mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam không phát triển du lịch bằng mọi giá, không chọn phát triển du lịch giá rẻ để phải trả giá về văn hóa và môi trường như bài học một số nước trong khu vực. Nhưng chúng ta làm thế nào để thực hiện được tuyên bố ấy lại là câu hỏi khó vì cho đến giờ, dường như sự nghèo nàn về sản phẩm du lịch, sự tận thu trong khai thác dựa vào tiềm năng tự nhiên của du lịch Việt Nam, đã khiến cho du lịch hạng cao cấp chưa phát triển. Sự tăng trưởng đang đến từ phân khúc thấp và trung bình.

Khách du lịch quốc tế rất hào hứng khi tới Việt Nam…

Tuy số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm đều tăng, nhưng có tới 90% là đến Việt Nam lần đầu, và 70% khách đến rồi thì không có ý định quay lại. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, số khách quốc tế ghé thăm Việt Nam lần thứ hai cũng rất khiêm tốn: 6%, trong khi có đến 40% du khách quay lại Singapore và 45% khách đến Thái Lan lần nữa. Không phải khách du lịch không trở lại đều do họ không hài lòng khi đến Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cơ hội lựa chọn điểm đến đối với du khách quốc tế là rất nhiều.

Luật Du lịch 2005 có hẳn 1 chương (Chương VIII ), 4 điều (Điều 79, 80, 81, 82) về thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường du lịch trọng điểm. Nhưng sau 11 năm, đến nay, du lịch Việt Nam mới có duy nhất 1 văn phòng tại Nhật Bản, lại do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thành lập.

Do đó, có thể họ hài lòng rồi nhưng vẫn không trở lại vì muốn dành việc khám phá cho nơi khác. Nhưng một khi đã hài lòng, họ chính là sứ giả tự nguyện của du lịch Việt Nam. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nước ngoài còn nhiều hạn chế so với nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Điều này kéo theo nhận biết về điểm đến Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế còn thấp.

Quảng bá sao cho trúng, đúng         

Nếu nhìn ngược trở lại, không phải chúng ta chưa từng đầu tư mạnh tay cho việc quảng bá. Còn nhớ, giữa năm 2009, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt hàng kênh truyền hình BBC World News một chiến dịch quảng bá đất nước và con người Việt Nam với 20 lần phát sóng. Lần đầu tư này quy mô hơn so với chương trình quảng cáo ngắn về du lịch Việt Nam cũng phát trên kênh CNN (khu vực châu Á) trước đó. Điểm chung của cả hai lần “mạnh tay” này lại là hiệu quả hạn chế bởi thiếu kinh phí thực hiện dài hơi, thiếu sự đầu tư bài bản về nội dung để đánh trúng thị hiếu của từng thị trường mục tiêu…

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng tiêu dùng hiện đại, quảng bá trên truyền hình đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hình thức e-marketing trên internet, mạng xã hội, thiết bị di động. So sánh với Thái Lan, có thể thấy nước này có nhiều hướng xúc tiến khác nhau mà Việt Nam hầu như chưa có hoặc chưa thực hiện bài bản. Chẳng hạn, với mạng xã hội, cơ quan du lịch Thái Lan duy trì cả tài khoản Facebook, Instagram, Google+… Trong khi đó, fanpage và Youtube Vietnam Timeless Charm của Tổng cục Du lịch mới hoạt động đều đặn một vài tháng trở lại đây, nội dung quá đơn giản, với lượng người quan tâm, chia sẻ và tương tác ở mức khiêm tốn. Chưa hết, Thái Lan sử dụng hơn 30 ứng dụng di động khác nhau để quảng bá du lịch, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp qua hình thức B2B – www.thaitravelmart.com với nhiều ngôn ngữ, trong khi Việt Nam chưa từng có.

Vẫn phải đầu tư cho cái gốc

Quảng bá là cần thiết nhưng không thể “gột nên hồ” nếu không có “bột”. Nếu không đầu tư đúng mức vào phát triển sản phẩm mang đến sự đa dạng trong lựa chọn cho du khách thì rất khó để khiến họ trở lại.

Nhưng việc thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng với nạn ăn xin, chèo kéo… đã khiến 70% khách một đi không trở lại

Trở lại câu chuyện của Hà Nội, năm 2016 có 22 triệu lượt khách đến, 4 triệu trong đó là khách quốc tế. Điều đáng suy ngẫm ở đây, du lịch Hà Nội sẽ chọn gì để quảng bá với thế giới, khi mà bấy lâu du lịch Hà Nội vẫn chủ yếu khai thác dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, mà thiếu đi việc sáng tạo những sản phẩm mới mẻ “đãi khách”? Thêm nữa, liệu môi trường du lịch của Thủ đô có được cải thiện và đổi mới để thu hút và giữ chân du khách ở lại lâu hơn?  

Liên hệ với cách các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam quảng bá, xúc tiến du lịch, ta sẽ thấy, họ không chỉ giới thiệu Thủ đô Tokyo, mà còn giới thiệu cả thành phố Gifu. Vì sao, một địa phương ít nổi tiếng hơn cũng sang giới thiệu xúc tiến du lịch, là vì họ muốn giới thiệu Nhật Bản không chỉ có Tokyo. Tức là họ có tư duy cộng hưởng, phân vai rất chuyên nghiệp, không cạnh tranh, mà xác định bản sắc riêng trong sản phẩm của mình…

Thế giới ngày càng đa dạng cách quảng bá xúc tiến du lịch, lẽ nào chúng ta cứ mãi loay hoay với cách thức làm cũ, với tư duy “mạnh chi” vào quảng bá là xong!

Sơn Minh

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…