Chiều 24/6, với 482 đại biểu tán thành (chiếm 97,57% số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% (còn 8%) theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được áp dụng từ 1/7/2023 đến 31/12/2023.
Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 01/2024).
Việc giảm thuế VAT nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.
Với việc giảm 2% thuế VAT người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, khi giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chưa đạt kịch bản đề ra; một số ngành công nghiệp chủ lực và nhiều địa phương công nghiệp trọng điểm suy giảm hoặc tăng trưởng thấp.