Quốc hội thông qua phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, đã chốt quy định mới về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này (chiếm 93,42%).

Theo báo cáo của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 141 điều. Theo đó, tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành.

Cụ thể, về trợ cấp hưu trí xã hội (Chương III từ Điều 21 đến Điều 24), có ý kiến đề nghị cần xây dựng cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; nghiên cứu bỏ quy định giao địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, các nguồn lực xã hội để xây dựng chính sách riêng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo là để có thể xây dựng lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Khoản 1 Điều 22 quy định trình tự, thủ tục để địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và nguồn lực khác để nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 72) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 73), dù nhận được các ý kiến góp ý nhưng sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn giữ nguyên quy định như dự thảo Luật.

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102), ngày 18/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn phương án 1, 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 10,7% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn phương án 2, 7/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 1,97% đại biểu cho ý kiến) đề xuất phương án khác.

Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là Phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 38 và Điều 39), biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 40 và Điều 41), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 40 và 41 của dự thảo Luật đã bị bỏ. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 Điều 35 dự thảo Luật.

Về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 41 của dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 27/5/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất và nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Về mức lương hưu hàng tháng (Điều 66), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội là 40%.

Sau đó, tính thêm 1% cho thêm mỗi năm đóng thêm đối với thời gian đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để giảm tác động bất lợi đối với lao động nam về mức hưởng lương hưu hàng tháng.

Về điều chỉnh lương hưu (Điều 67), chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định “Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.

Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội (Chương IX từ Điều 128 đến Điều 132), theo quy định hiện hành, cơ quan bảo hiểm xã hội lại được giao một số nhiệm vụ mang tính quản lý nhà nước như thanh tra chuyên ngành đóng…

Do đó, để bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm được giao, dự thảo Luật đã chỉnh lý để khắc phục tình trạng này và ghi nhận các nhiệm vụ, hoạt động mang tính quản lý nhà nước mà cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định tách bạch việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý và thể hiện như dự thảo Luật.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm