Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, theo đó, Sabeco ghi nhận 7.478 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2017, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Dù vậy, lợi nhuận gộp quý I/2017 của Sabeco tăng tới 31,6%, đạt 2.505 tỷ đồng do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của tổng công ty này giảm mạnh xuống còn 66,5%, từ mức 73,3% của quý I/2016.
Theo phía Sabeco, sở dĩ doanh thu thuần trong quý tăng là do có sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm tiêu thụ, tăng giá bán trong kỳ. Tăng giá bán, theo đó, là nguyên do khiến tỷ lệ giá vốn của Sabeco giảm mạnh trong quý I/2017.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco tăng gấp rưỡi, lên mức 145 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại giảm đi gần một nửa, xuống còn 11,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng quý I/2017 của Sabeco tăng rất mạnh, từ mức 619 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016 lên mức 1.070 tỷ đồng, chủ yếu do sự gia tăng đột biến của chi phí vận chuyển, bốc vác. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 9,7%, đạt 162 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2017, lợi nhuận trước thuế của Sabeco đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cung kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) của Sabeco đạt 1.126 tỷ đồng, tăng 18,8%.
Về tài sản, tính đến hết ngày 31/3/2017, tổng tài sản của Sabeco ở mức 18.753 tỷ đồng, giảm 2,3% so với hồi đầu năm, trong đó, chiếm tỷ trọng tài sản lớn nhất vẫn là tiền gửi ngân hàng với 6.643 tỷ đồng, trong đó có 1.441 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, 2.637 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng và 2.565 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm.
Đáng chú ý, trong quý I/2017, Sabeco đã hoàn tất thoái toàn bộ cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,46% tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Lượng cổ phần này có giá gốc ban đầu là 36,6 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco tăng mạnh, theo lý giải từ phía Sabeco.
Tuy vậy, Sabeco vẫn chưa thể thoái vốn tại 2 ngân hàng thương mại khác là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Đây là 2 khoản đầu tư ngoài ngành lớn nhất của Sabeco với giá gốc đầu tư ban đầu lần lượt là 216 tỷ đồng và 136 tỷ đồng. Hiện Sabeco đã tiến hành trích lập dự phòng 154 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào OCB và 126 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào DongA Bank.
Về nguồn vốn, đến hết ngày 31/3/2017, vốn chủ sở hữu của Sabeco đạt 13.600 tỷ đồng, song song, nợ phải trả ở mức 5.153 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay chỉ ở mức 941 tỷ đồng, không đáng kể khi so với lượng vốn chủ sở hữu, phản ánh Sabeco gần như không có rủi ro về cân đối nguồn vốn.
Theo Kình Dương/VNF
>> Năm 2017, Sabeco dự kiến lãi 4.703 tỷ đồng