Quy định lãi vay “đóng cửa” BOT giao thông

Từ khi có hiệu lực thi hành, Thông tư 75 bộc lộ không ít hạn chế, thậm chí khiến các nhà đầu tư BOT “mất ăn, mất ngủ” vì không thể huy động được vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Với quy định khống chế lãi suất vay đầu tư BOT giao thông như hiện nay, nhà đầu tư không thể tiếp cận được vốn vay - Ảnh: Hữu Tuấn

Thông tư 75/2017 ngày 21/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang bộc lộ nhiều bất cập, gây trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc huy động vốn tín dụng để đầu tư các dự án BOT giao thông.

Gom ngân hàng được mua lại 0 đồng để tính lãi suất cho vay

Ban hành ngày 21/7/2017, Thông tư 75/2017 được Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Thông tư 55/2016 quy định mức lãi suất vốn vay để tính phương án tài chính trong hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, thực tế từ khi có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2017, Thông tư 75 bộc lộ không ít hạn chế, thậm chí khiến các nhà đầu tư BOT “mất ăn, mất ngủ” vì không thể huy động được vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 3, Điều 1, Thông tư 75 nêu rõ: “Mức lãi suất vốn vay không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án”.

PV Báo Giao thông đã trích xuất dữ liệu thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 4 ngân hàng thuộc diện ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank). Đáng chú ý, ngoài Agribank, ba ngân hàng còn lại đều là những ngân hàng từng bị xếp hạng yếu kém, rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng để tái cơ cấu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, 3 ngân hàng: GP Bank, OceanBank và CBBank là những ngân hàng có quy mô rất nhỏ và chưa từng cho vay dài hạn đầu tư vào các dự án BOT giao thông. Việc sử dụng lãi suất bình quân của các ngân hàng này để tính lãi vay trong hợp đồng BOT sẽ không sát với thị trường. Cụ thể, lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng theo quy định của Thông tư 75 khoảng 9,5%/năm. Trong khi đó, thực tế, các nhà đầu tư đang phải đi vay các ngân hàng thương mại với mức lãi suất 10,5 - 11%/năm.

“Sự chênh lệch giữa lãi vay quy định để tính toán phương án tài chính với lãi vay thực tế rất lớn, khiến các tổ chức cung cấp tín dụng lo ngại rủi ro do nhà đầu tư phải bù lãi suất với số tiền lớn, nên ngân hàng tài trợ không đồng ý ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.

Điển hình là tại dự án công trình xây dựng cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang, tổng mức đầu tư 820,98 tỷ đồng) là dự án BOT giao thông đầu tiên thực hiện theo quy định của Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức PPP, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do rào cản từ Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết, “vướng mắc lớn nhất của dự án là quy định về lãi suất vốn vay theo Thông tư 75 của Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với lãi vay thực tế, khiến nhà đầu tư chưa thể ký được hợp đồng vay vốn với nhà tài trợ tín dụng dù Bộ GTVT và nhà đầu tư đã đàm phán và cơ bản thống nhất các điều khoản trong hợp đồng dự án”. Theo ông Khánh, với quy định của Bộ Tài chính đưa lãi suất bình quân của các ngân hàng: GP Bank, OceanBank và CBBank, các nhà đầu tư sẽ không thể vay được vốn tín dụng để triển khai các dự án BOT trong thời gian tới.

Cũng theo ông Tuấn Anh, để tháo gỡ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính đưa ra quy định mức lãi suất vay vốn phù hợp với thực tế, theo hướng sử dụng mức lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có quy mô lớn như: BIDV, Vietinbank, Vietcombank,… Đây là những ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng dài hạn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Nhà đầu tư BOT Bắc Giang- Lạng Sơn chưa biết xử lý thế nào khi quy định lãi suất vay chỉ 8,2%/năm trong khi thực tế đi vay lãi suất trên 10% - Ảnh: Đình Quang

Đẩy bất lợi cho nhà đầu tư

Ngoài quy định áp dụng theo mức bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Điểm b, Khoản 1, Thông tư 75 của Bộ Tài chính còn cho phép tính lãi suất vốn vay theo nguyên tắc không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất Trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP. Quy định này được đánh giá là sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn tín dụng, nhưng các dự án đã thực hiện tính lãi vay trong phương án tài chính theo Thông tư 55/2017 lại không được hưởng lợi từ quy định này.

Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) cho biết, trước đây, Thông tư 55/2016 quy định, mức lãi suất vốn vay không được vượt quá 1,3 lần mức bình quân của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại bao giờ cũng cao hơn 2,5 - 3%/năm so với quy định của Thông tư 55/2016, gây ra rất nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng.

“Nhận thấy rõ bất cập, trong Thông tư 75, Bộ Tài chính đã cho phép tính mức lãi suất vốn vay không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng dự án PPP, cao hơn 0,2 lần so với quy định của Thông tư 55/2016”, ông Thế nói và đánh giá, đây là điều khoản tiến bộ của Thông tư 75/2017 so với Thông tư 55/2016 để mức lãi suất vốn vay theo quy định sát với thực tế.

Tuy nhiên, ông Thế cho biết, sau khi ban hành Thông tư 75/2017, Bộ Tài chính lại không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với những dự án đã đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng theo Thông tư 55/2016, khiến nhà đầu tư chịu rất nhiều bất lợi, thậm chí dự án đứng trước nguy cơ bị ngân hàng tài trợ dừng giải ngân.

“Luật Đầu tư đã có quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp khi sửa đổi pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật sửa đổi có bất lợi với nhà đầu tư thì áp dụng theo cơ chế cũ, còn quy định pháp luật mới ban hành mà nhà đầu tư được hưởng lợi thì được áp dụng theo cơ chế mới. Chế tài trong luật đã rất rõ ràng, nhưng Thông tư 75/2017 lại không quy định điều khoản chuyển tiếp làm cho các dự án BOT thực hiện theo Thông tư 55/2016 đã thu xếp được nguồn vốn nhưng chưa đàm phán được hợp đồng và ngân hàng có khả năng dừng giải ngân do lãi suất không như mong đợi.

“Lãi suất vốn vay dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn được tính theo quy định của Thông tư 55/2016, với mức cụ thể là 8,11%/năm, thực tế nhà đầu tư phải đi vay ngân hàng với lãi suất 10,5%/năm. Lúc đó, ngân hàng tài trợ vẫn chấp nhận cho nhà đầu tư vay vì Bộ GTVT đã cam kết hỗ trợ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tính lãi suất vốn vay theo quy định của Thông tư 75/2017. Được biết, Bộ GTVT đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất với Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bây giờ, nhà đầu tư chẳng biết gõ cửa cơ quan nào”, ông Thế chia sẻ.

Theo báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm