Như ThuonggiaOnline đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 03/2023 về việc giãn/hoãn nợ và cho phép ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp…
Cứu ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao
Đánh giá hai quy định mới này, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng Thông tư mới sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay, từ đó tác động tích cực lên một số các ngân hàng.
Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.
Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB. Vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh “an toàn” ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được giải tỏa phần nào Thông tư 03/2023 đã hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp có điều kiện kèm theo.
Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (khoảng 2% tại cuối quý 1/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Ngoài ra, Thông tư cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp như TCB, MBB, VPB. Tuy nhiên còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn là mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài hai Thông tư trên, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 41/2016 điều chỉnh hệ số rủi ro (HSRR) khoản vay Bất động sản của ngân hàng cũng được đưa ra. Dự thảo khuyến khích tăng cho vay các dự án phát triển bất động sản khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội theo các dự án hỗ trợ của Chính phủ, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP (gói hỗ trợ tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng).
Chứng khoán VNDirect cho rằng, các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID sẽ được hưởng lợi nếu dự thảo này được chính thức thông qua.
“Có thể nói, đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM sẽ giảm khá mạnh trong điều kiện lãi suất đảo chiều, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi huy động do các ngân hàng quốc doanh vẫn đang tích cực giảm lãi vay hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn”, VNDirect nhận định.
Vẫn hạn chế khi áp dụng vào thực tế
Đồng quan điểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, Thông tư 02, Thông tư 03 cùng với Dự thảo sửa đổi Thông tư 41, tất cả những động thái này là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để gỡ rối cho các vấn đề của thị trường bất động sản trong khi chờ đợi việc sửa đổi khung pháp lý trong ngành bất động sản thông qua việc ban hành các Luật liên quan.
Nhìn chung, với hai thông tư này, các ngân hàng hiện được cung cấp các công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay bất động sản. Trong khi đó, người đi vay có thể có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trả nợ cho các khoản vay sắp tới.
Do đó, đây là tin tức hỗ trợ cho một số đối tượng tham gia thị trường, bao gồm cả ngân hàng và người đi vay, mặc dù việc áp dụng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, theo chứng khoán SSI cần xem xét liệu các quy định này có hiệu quả thực tế hay không, vì một số tiêu chí vẫn còn khá khắt khe, hoặc có thể có phần hạn chế khi áp dụng vào thực tế.
Với thông tư 02, do không có quy định cụ thể về các ngành nghề đủ điều kiện được tái cơ cấu, SSI cho rằng các khoản vay của một số doanh nghiệp bất động sản nhất định có thể được xem xét để tái cơ cấu họ có những dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ.
Trong tình huống này, nếu các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính và tiếp tục hoàn thành các dự án này, họ có thể có cơ hội bán nhà và tạo ra dòng tiền để trang trải các nghĩa vụ nợ. Từ đó có thể phần nào giảm bớt tình trạng thanh khoản hiện tại cho các chủ đầu tư có uy tín hơn.
Tuy nhiên, chứng khoán SSI cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ thông qua Thông tư 02.
Ngoài ra, do nội dung của Thông tư 02 cũng bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống nên SSI kỳ vọng rằng một số khoản vay mua nhà cũng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đối với Thông tư 03, trái ngược với dự thảo có cả những điều khoản nới lỏng và thắt chặt đối với hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, Thông tư 03 cuối cùng được ban hành chỉ có một điều khoản nới lỏng là các ngân hàng được phép mua lại trái phiếu chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán trước đây mà không bị hạn chế về thời gian với điều kiện trái phiếu đó đáp ứng các điều kiện nêu tại Khoản 4 (Thông tư 16).
Bên cạnh đó, bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng phải thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu và tổ chức phát hành phải được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng.
Chứng khoán SSI cho rằng Thông tư này chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề có thể phát sinh từ các trái chủ nhỏ lẻ hoặc để giải quyết vấn đề liên quan đến việc phân phối trái phiếu qua kênh ngân hàng.
Với việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, SSI kỳ vọng một phần rủi ro tín dụng sẽ được quay lại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, sau đó có thể được giải quyết thông qua các phương án đàm phán/cơ cấu lại thời hạn theo quy định mới của Thông tư 02.
Tuy nhiên, tổ chức chứng khoán này cũng lưu ý rằng thực tế áp dụng là rất khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tiêu chí trong Thông tư 16 là không cho phép ngân hàng mua trái phiếu với mục đích cơ cấu nợ để đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn hệ thống.
Do đó, khó có thể trông chờ vào việc ngân hàng giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thông qua việc cho phép họ mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng.