Khách hàng đã ồ ạt đã rút tiền khỏi tổ chức tài chính có trụ sở tại San Francisco - First Republic - một hệ quả theo sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley vào ngày 10/3.
First Republic đã cố gắng vượt qua khó khăn nhờ vào khoản vay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhận hỗ trợ 30 tỷ USD tiền gửi không có bảo hiểm từ 11 ngân hàng lớn nhất của đất nước. First Republic cũng đã tìm tới các cố vấn để theo đuổi một số lựa chọn, bao gồm cả việc bán ngân hàng.
Tuy nhiên, bất chấp những động thái kịp thời này, tổng số dư tiền gửi của First Republic vẫn giảm tổng cộng 41% trong quý 1/2023 xuống còn 104,4 tỷ USD, theo báo cáo thu nhập mới đây. Nếu không có khoản hỗ trợ 30 tỷ USD từ 11 ngân hàng khác thì có lẽ dòng tiền gửi bị chảy ra khỏi First Republic sẽ lên tới 102 tỷ USD.
Những dữ liệu mới này đã khiến cổ phiếu của First Republic tuột dốc, giảm tới 21% trong giao dịch sau giờ làm việc. Kể từ tháng 1 đến nay, cổ phiếu của ngân hàng đã mất hơn 85%. Vào cuối tuần trước, Moody's đã hạ xếp hạng cổ phiếu ưu đãi của First Republic như một phần của việc hạ cấp mở rộng đối với 10 ngân hàng khu vực khác.
"Tương lai của First republic thực sự là rất không chắc chắn," nhà phân tích Jason Benowitz của CI Roosevelt nói với Yahoo Finance. Theo ông, First republic đã mất quá nhiều tiền gửi và họ phải giải quyết tình hình bằng cách đi vay. Khoản vay này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng cả trong quý được báo cáo và trong tương lai.
Theo công bố từ First Republic hôm 24/4, hoạt động tiền gửi vẫn duy trì ổn định tính đến ngày 21/4. Số dư của ngân hàng tính tính đến 21/4 là 102,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với con số chốt dữ liệu báo cáo vì các thanh toán thuế khách hàng theo mùa.
First Republic cũng cho biết họ đang thực hiện các biện pháp để tăng số lượng tiền gửi được bảo hiểm bởi Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, thu hẹp các khoản vay và giảm số dư cho vay để tương ứng với việc hạn chế sự phụ thuộc vào những người gửi tiền không được bảo hiểm. Đồng thời, ngân hàng có kế hoạch cắt giảm khoảng 20-25% lực lượng lao động trong quý 2.
"Mặc dù phải đối mặt với các sự cố trong hai tháng qua và quy mô tài khoản trung bình giảm, nhưng chúng tôi vẫn giữ được hơn 97% mối quan hệ khách hàng”, giám đốc điều hành của First Republic, Michael Roffler cho biết trong một cuộc gọi hội nghị sau khi công bố kết quả. Công ty đã không nhận câu hỏi từ các nhà phân tích.
Nhiều ngân hàng khu vực khác cũng báo cáo dòng tiền gửi bị rút ra trong quý đầu tiên, mặc dù sự sụt giảm của First Republic là nghiêm trọng hơn cả. Tại châu Âu, ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ Credit Suisse cũng tiết lộ vào cùng ngày rằng khách hàng của họ đã rút khoảng 75 tỷ USD tiền gửi trong quý.
First Republic, giống như nhiều ngân hàng khu vực khác, đang cố gắng thích ứng với thời kỳ lãi suất cao trong khi tỷ suất lợi nhuận cho vay giảm. Thu nhập quý đầu tiên của ngân hàng ghi nhận đà giảm 30% so với quý 4/2022 và 33% so với cùng kỳ năm trước, được báo cáo ở mức 269 triệu USD. Thu nhập lãi ròng của ngân hàng cũng giảm 21% so với quý 4/2022 và 19% so với quý đầu tiên của năm 2022.
Kể từ giữa tháng 3, ngân hàng đã khám phá nhiều lựa chọn để khôi phục sự ổn định kinh doanh, bao gồm tăng vốn hoặc bán lại.
Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu Wedbush cho biết, ngay cả việc bán First Republic với giá 0 USD một cổ phiếu cũng khó xảy ra bởi vì bất kỳ người mua nào về cơ bản vẫn sẽ phải trả hàng tỷ USD để bù đắp những khoản lỗ hiện có. Do đó, cách duy nhất để First Republic có thể được bán lại thành công là nếu các cơ quan quản lý tịch thu ngân hàng và bán tài sản của nó với giá hời.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Carlyle David Rubenstein nhận định rằng chính phủ liên bang sẽ cần hỗ trợ First Republic tìm người mua do “lỗ hổng” trên bảng cân đối kế toán của tổ chức. “Tôi nghĩ First Republic rõ ràng đang nằm trong danh sách theo dõi (watchlist), và có lẽ một lúc nào đó sẽ có người đứng ra mua nó. Nhưng điều quan trọng ở đây là First Republic cần tới sự hỗ trợ của chính phủ”.