Quy định về quản lý tiền công đức: "Không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo"

Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Dự thảo “Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo.
Công văn số 35/CV-BTS ngày 28/5/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh góp ý về Dự thảo Thông tư khẳng định, "dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo"
Công văn số 35/CV-BTS ngày 28/5/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh góp ý về Dự thảo Thông tư khẳng định, "dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo"

Đã qua nhiều năm xây dựng, nhiều lần lấy ý kiến, chỉnh sửa nhưng đến nay Dự thảo “Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” (Dự thảo Thông tư - PV) của Bộ Tài chính vẫn đang còn có những ý kiến tranh luận trái chiều làm “nóng” các diễn đàn pháp lý, Phật sự.

Cụ thể, các quy định liên quan đến quản lý tiền công đức vẫn chưa nhận được sự thống nhất ý kiến từ Giáo hội Phật giáo một số địa phương… Theo đó, sau khi nghiên cứu Dự thảo Thông tư và các quy định pháp luật hiện hành, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Bình Dương,… và một số cơ sở tôn giáo lớn đã có ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư theo những góc nhìn riêng biệt.

Trong số các ý kiến mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành đưa ra, những ý kiến xung quanh các quy định điều chỉnh đối với hoạt động quản lí tiền công đức đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng, tất cả các tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức từ thiện xã hội tiến hành các hoạt động công đức, quyên góp đều phải chịu sự kiểm soát của luật pháp (nếu không sẽ thành “tư lợi”), cũng có rất nhiều luồng ý kiến kiên định với quan điểm: Nhà nước không nên quản lý tiền công đức của nhà chùa và lễ hội Phật giáo.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Thông tư của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh
Đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Thông tư của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh

Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ dù đã được kiểm đếm danh mục di tích.

Lý giải về những kiến nghị của mình, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nêu, bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào. Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội (Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội…).

Trong Công văn số 35/CV-BTS ngày 28/5/2021 về việc góp ý Dự thảo Thông tư, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng viện dẫn quy định trong Dự thảo Thông tư: “Hòm công đức được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập” và phân tích rằng: Điều này không phù hợp với khoản 6, Điều 7, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định tổ chức tôn giáo có quyền: “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Theo đó, tài sản dâng cúng, công đức đều do tổ chức, cơ sở tôn giáo được toàn quyền như tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Công văn số 40/CV/BTST ngày 4/6/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc
Công văn số 40/CV/BTST ngày 4/6/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc

Về vấn đề này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cũng có Công văn số 40/CV/BTST ngày 4/6/2021 về việc góp ý Dự thảo Thông tư. Cụ thể, tại công văn do Đại đức Thích Thanh Lâm ký cũng nêu, tiền công đức là của tín đồ theo đạo Phật đến chùa cúng dàng lên Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Số tiền cúng dàng Tam Bảo được chia làm 3 phần, một phần để duy trì tôn tạo chùa, tượng gọi là Phật Bảo, một phần để in kinh điển gọi là Pháp Bảo, một phần để nuôi Tăng chúng tu học sinh hoạt gọi là Tăng Bảo. Phật tử là tín đồ đạo Phật đến chùa cúng Tam Bảo lại bị quản lý thu chi thì Tăng Ni tại cơ sở di tích được xếp hạng đó lấy gì sinh hoạt và hoạt động Phật sự, như vậy chưa đúng với tinh thần được Nhà nước bảo hộ.

Trong Công văn số 169/CV/BTS ngày 5/6/2021 về việc góp ý Dự thảo Thông tư, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông khẳng định, tiền công đức do Phật tử thập phương thiện tín tùy tâm hỷ cúng cho các lễ hội của các cơ sở tôn giáo. Điều 57 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định: “Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội”. Giáo hội bổ nhiệm trụ trì để thay mặt Giáo hội quản lý điều hành những hoạt động tại cơ sở tự viện.

Công văn số 169/CV/BTS ngày 5/6/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị thêm điều khoản vào Thông tư: "Thông tư này không áp dụng cho cơ sở tôn giáo được Giáo hội quản lý"
Công văn số 169/CV/BTS ngày 5/6/2021 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị thêm điều khoản vào Thông tư: "Thông tư này không áp dụng cho cơ sở tôn giáo được Giáo hội quản lý"

Đối với những khoản sinh hoạt hằng ngày tại cơ sở tôn giáo, tự thân chư Tôn đức Tăng ni phải lo trang trải chi phí, cơ quan Nhà nước không có khoản chi tài chính cho những sinh hoạt này. Vì vậy, việc Nhà nước quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo là không phù hợp.

Góp ý Dự thảo Thông tư, tại Công văn số 111/CV-BTS ngày 19/5/2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đề nghị cần phân biệt rõ: Các cơ sở thờ tự (chùa) là di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh không tổ chức lễ hội, không sử dụng kinh phí và ngân sách Nhà nước trong việc tổ chức lễ hội, không đặt hòm công đức liên quan đến di tích thì không áp dụng quy định về quản lý tài chính theo Thông tư này. Trường hợp có đặt hòm công đức, thì nên phân biệt hòm công đức chỉ dành cho việc tổ chức lễ hội, trùng tu di tích và các yếu tố có liên quan thì hòm công đức này sẽ được Ban Quản lý di tích quản lý theo quy định; còn hòm công đức cúng dường Tam Bảo là để phục vụ các sinh hoạt cho công tác Phật sự, nuôi dưỡng Tăng Ni tại tự viện có di tích, không thuộc sự quản lý trong phạm vi Thông tư này.

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, công đức là một trong những quyền dân sự chính đáng và việc quản lí tiền công đức là vấn đề khá nhạy cảm. Đặc biệt, khi có những ý kiến trái chiều rất đáng để công luận đưa ra bàn thảo, khẳng định những điểm cần tiếp thu để hướng đến hoàn thiện Thông tư này.

Thiết nghĩ, để Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội chính thức được thông qua, yêu cầu bắt buộc phải đánh giá tác động và có tham vấn ý kiến của người dân khi đưa ra chính sách mới, quy phạm mới để đảm bảo tạo được sự đồng thuận và tính khả thi khi ban hành quy định pháp luật. Do đó, Bộ Tài chính cần lắng nghe những ý kiến chính thức từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành và cả dư luận xã hội liên quan đến Thông tư này. Trên cơ sở đó để đảm bảo rằng, mọi công dân Việt Nam đều có cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; cùng được góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả và khả thi.

Có thể bạn quan tâm