Room tín dụng đã đến tay các ngân hàng

Mặc dù đã được cấp phát room tín dụng năm 2023, tuy nhiên nhiều lãnh đạo ngân hàng đang lo ngại về khả năng hấp thụ của nền kinh tế...
Room tín dụng ngân hàng năm 2023
Các ngân hàng đã được cấp room tín dụng năm 2023

Kể từ năm 2011, cơ chế giới hạn tăng trưởng (room) tín dụng đều đặn được thực hiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý 1 và tiếp tục thực hiện điều chỉnh vào những tháng cuối năm.

Theo tìm hiểu của Thuonggiaonline, room tín dụng năm 2023 đã chính thức được cấp phát đến từng ngân hàng thương mại.

Cụ thể, room tín dụng của MSB năm nay được cấp là 13,5% tăng so với năm 2022 là 9,5%. HDBank được cấp room là 11% giảm so với 15% của năm 2022. Tương tự, ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn so với năm 2022 là 11,5%; VPBank và MB cùng ở tỷ lệ là 9% so với năm trước là 15%; LienVietPostBank là 8%, thấp hơn mức 10% của năm ngoái...

Như vậy, hầu hết room tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2023 đang thấp hơn khá nhiều so với năm 2022. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, mức room tín dụng 2023 khó lòng "xài" hết. Bởi lẽ, sức hấp thụ của nền kinh tế đang có nhiều vấn đề.

Thống kê sơ bộ của một số công ty phân tích, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 2/2023 mới đạt khoảng 1,1%. Trong khi mức tăng của cùng kỳ năm trước lên tới 2,7%.

Theo một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bằng con số tuyệt đối của từng ngân hàng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng. 

Việc thông báo và điều chỉnh room tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung).

"Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.

Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ước đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng các ngân hàng có thể cho vay thêm trong năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,67 – 1,79 triệu tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...