Chứng khoán VNDirect vừa cập nhật báo cáo về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng khi rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.
Chất lượng tài sản là điều kiện tiên quyết
Trong giai đoạn nửa cuối 2021, nhà đầu tư đã có sự lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng hậu đại dịch Covid-19. Theo đó giá cổ phiếu toàn ngành có sự sụt giảm nhẹ 3% cuối 2021 so với cuối quý 2/2021, mặc dù lợi nhuận cả năm vẫn tăng 30% so với cùng kỳ.
Sang 2022, những sóng gió của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại một lần nữa dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản. Và chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực giảm 22% so với cùng kỳ, bất chấp lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng mạnh 33,7% so với cùng kỳ.
Do đó, chứng khoán VNDirect cho rằng, giá cổ phiếu ngành ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận.
“Nhìn chung, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu”, VNDirect nhận định.
Kể từ quý 2/2022, Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 153. Trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó có nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định, và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ. Điều này đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, các chủ đầu tư đã thật sự gặp khó khăn trong việc huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm rất mạnh 63% so với cùng kỳ và con số này là 78% so với cùng kỳ đối với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Mặt khác, lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh trước bối cảnh vĩ mô khó khăn, đặc biệt trong nửa cuối 2022. Cùng với giá nhà ở mức cao, nhu cầu mua nhà đã sụt giảm đáng kể và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các chủ đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023.
Vì dù các ngân hàng đã hạn chế cho vay bất động sản, đây vẫn là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho ngành bất động sản khi cho vay BĐS chiếm đến 21% tín dụng hệ thống tính đến cuối 2022.
Về mặt thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng trong tuần vừa qua. Có thể thấy rằng, các ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như VCB, ACB, HDB, MSB… đạt được hạn mức tốt nhất trong số các ngân hàng, chủ yếu do hệ số LDR (rủi ro thanh khoản) thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.
Nên chọn cổ phiếu ngân hàng nào?
Năm 2023, chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Bên cạnh đó, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.
Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm.
Ngoài ra, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh, NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. CTG, VPB, TPB, và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm nay.
Khối ngân hàng thương mại tư nhân sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn kỳ trước nhờ sự chủ động trong quản lý vốn. Tỷ lệ CAR của các ngân hàng này sẽ tiếp tục duy trì cao hơn mức trung bình của hệ thống và cải thiện nhẹ trong năm 2023.
Trong bối cảnh ngược lại, khối ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tăng vốn do ngân sách hạn hẹp và quá trình phê duyệt diễn ra chậm. Cụ thể, VCB, BID hoặc CTG đều có kế hoạch trả cổ tức cổ phiếu trong 2022, nhưng không nhà băng nào có thể hoàn thành trong thời gian dự kiến. Điếm sáng cho nhóm ngân hàng quốc doanh trong năm 2023 là VCB, với kế hoạch phát hành 6,5% vốn để cải thiện tỷ lệ CAR từ 2-2,5%.
Nhìn chung lại, chứng khoán VNDirect cho rằng, định giá của ngành ngân hàng vẫn ở mức thấp lịch sử là 1,2 lần P/B năm 2023 (chỉ cao hơn mức giảm 2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. Một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
VNDirect kỳ vọng bức tranh toàn ngành sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2023, khi áp lực tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, thanh khoản cải thiện cùng với hiệu lực của Nghị định 08/2023. Về ngắn hạn, tổ chức chứng khoán ngày duy trì quan điểm thận trọng và ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động quản trị rủi ro tốt và đa dạng hóa danh mục cho vay, đặc biệt như CTG và ACB.