Cũng theo văn bản, Thaibev cam kết phát triển toàn diện hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình tại Việt Nam, đặc biệt là đối với Sabeco. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình là đơn vị sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu ngành bia.
Thaibev cho biết, việc mua lại Sabeco với mức giá kỷ lục 320.000 đồng/cp vào năm 2017 khẳng định niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như thị trường bia Việt Nam.
Kể từ đó, Sabeco đã đạt được mức tăng 5% doanh thu thuần năm 2018 và tiếp tục mang lại hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2019, báo cáo tăng thêm 5% doanh thu thuần và tăng trưởng lợi nhuận ròng 22% mặc dù doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng bởi những tin đồn không đúng sự thật.
Đồng thời ThaiBev cũng cho biết thêm, kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán Singapore trong mảng bia của tập đoàn vẫn đang được triển khai, hiện đơn vị này đang tiến hành nhận tham kiến từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.
“Thương vụ vẫn đang ở trong những giai đoạn đầu tiên, và chưa có gì chắc chắn về việc nó sẽ xảy ra như thế nào, và có diễn ra hay không.” – ThaiBev nhấn mạnh.
Doanh nghiệp khẳng định sẽ cung cấp thêm thông tin cần thiết khi được yêu cầu theo quy định tại Thái Lan và Singapore. Đồng thời, gửi lời khuyến nghị đến các cổ đông của ThaiBev trong việc mua bán cổ phiếu, tránh việc bị tổn hại vì những thông tin không chính xác.
Trước đó, Bloomberg đã đưa tin về việc ThaiBev đang xem xét chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho mảng sản xuất trên sàn chứng khoán Singapore với mức định giá khoảng 10 tỷ USD.
Tin đồn Thaibev tìm kiếm đối tác để bán lại Sabeco diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Sabeco không tốt.
Quý I/2020, doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng là 4.900 tỉ đồng và 717 tỷ đồng, giảm lần lượt 47,4% và 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sự sụt giảm doanh số của Sabeco chủ yếu là từ các giao dịch bán cho các đại lý bán lẻ và nhà phân phối (sell-in). Nguyên nhân lớn nhất là Covid-19, trực tiếp tác động đến kênh tiêu dùng tại chỗ. Bên cạnh đó, Nghị định 100 gia tăng mức phạt người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến người dân hạn chế sử dụng bia rượu.