Sau 6 tuần, Go Viet đã có 1,5 triệu lượt tải chiếm 35% thị phần

Đây là tiết lộ của ông Nguyễn Vũ Đức, Tổng giám đốc Go-Viet trong sư kiện ra mắt “Hệ sinh thái Go Viet” tại Việt Nam thông qua chương trình “Hello Vietnam”.
Sau 6 tuần, Go Viet đã có 1,5 triệu lượt tải chiếm 35% thị phần

Go Viet không đơn thuẩn là xe ôm công nghệ

Chiều qua (12/9), Thương hiệu ứng dụng vận chuyển công nghệ Go Viet đã chính thức ra mắt “Hệ sinh thái Go Viet” tại Việt Nam thông qua chương trình “Hello Vietnam”. Chương trình vinh dự có sự tham dự của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Vũ Đức, Tổng giám đốc Go-Viet cho biết, sau khi ra mắt thử nghiệm vào tháng 3/2018 với sứ mệnh góp phần xây dựng Việt Nam phồn vinh thịnh vượng.

Go Viet đã có bước phát triển ấn tượng với 1,5 triệu lượt tải sau 6 tuần ra mắt tại TPHCM. Tính đến nay chỉ sau 2 tháng ra mắt dịch vụ tại TP.HCM Go Viet đã chiếm 35% thị phần vận chuyển cho hoạt động liên quan gọi xe 2 bánh.

Đặc biệt, số lượng tài xế đã đăng ký là 35.000 đối tác tài xế chỉ trong vòng 2 tháng hoạt động tại TP.HCM. “Đây là con số gây bất ngờ với đối tác Go Jek”.

Chia sẻ về chiến lược tại Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Đức cho biết, trên cơ sở hợp tác chiến lược với Go Jek (Indonesia), Go Viet sẽ phát triển Hệ sinh thái Go Viet với 4 ứng dụng cơ bản  gồm Go Bike (vận chuyển-giao nhận bằng xe hai bánh); Go Car (vận chuyển-giao nhận bằng xe ô tô); Go Food (đặt hàng-vận chuyển thực phẩm) và Go Pay(Ví điện tử)… Ngoài ra, Go Viet sẽ phát triển thêm các ứng dụng đi chợ hộ, gọi người giúp việc tại nhà…

Về nội dung hợp tác của Go Jek với Go Việt, ông Nguyễn Vũ Đức cho biết, Go Jek sẽ đảm nhận cung cấp tài chính, công nghệ cho Go Viet. Ngược lại Go Viet cam kết sử dụng đội ngũ quản lý người Việt Nam, am hiểu thị trường Việt Nam và đảm bảo phát triển các giá trị Go Jek tại Việt Nam.

Go-Jek - niềm tự hào start-up của Indonesia

Go-Jek được thành lập vào năm 2010 với tiền thân là công ty cung cấp dịch vụ xe ôm trên nền tảng di động, hay còn được gọi là xe ôm công nghệ, hiện dẫn đầu thị trường gọi xe với khoảng 900.000 tài xế đối tác tại Indonesia. "Chỉ trong 3 năm, Go-Jek đã trở thành công ty sử dụng nhiều lao động nhất ở Indonesia, từ zero thành hero", theo chia sẻ của CEO Nadiem Makarim.

Không chỉ là dịch vụ xe ôm vận chuyển hành khách, Go-Jek còn cung cấp các dịch vụ khác như vận chuyển hàng hóa, thức ăn, dịch vụ dọn nhà, chăm sóc sức khoẻ, sửa xe... tất cả đều vận hành thông qua ứng dụng Go-Jek trên smartphone.

Có thể nói, việc cung cấp nhiều loại hình dịch vụ chính là lợi thế của Go-Jek khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, một điều mà Grab tại Việt Nam chưa có.

Hơn nữa, người dùng còn có thể tham gia vào Go-Jek với tư cách là đối tác để tạo ra thu nhập. Trong quá trình tham gia, họ được cung cấp quyền bảo hiểm y tế, tai nạn, dịch vụ tài chính, cũng như các khoản thanh toán tự động và những lợi ích khác dành cho đối tác.

Năm 2016, Go-Jek trở thành công ty kỳ lân đầu tiên tại Indonesia được CB Insights định giá 1,8 tỷ USD. Tháng 4 năm nay, Go-Jek đã được định giá ở mức 5 tỷ USD sau khi có tin đồn huy động vốn thành công từ những "gã khổng lồ" như Google, JD.com, KKR, Warburg Pincus, Tencent.

Go-Jek hiện đã có mặt tại hơn 50 thành phố trên khắp thế giới.

Có thể bạn quan tâm