![Loạt doanh nghiệp vào danh sách nợ bảo hiểm ngay đầu năm 2025 no-bh.png](https://cdn.thuonggiaonline.vn/images/093a082e029f604cc8fa37e38f7c572bf668ed8238baca96f3018b738035697dfe89044b3d11472198cda46ae9e84492/no-bh.png)
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội mới ban hành danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trong tháng 1, trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số liệu tính đến hết ngày 31/1/2025, dữ liệu lấy ngày 5/2/2025. Trong danh sách này có sự xuất hiện của 59.944 doanh nghiệp, tổ chức chậm đóng từ 1 tháng.
SHOPEE LÊN TOP ĐẦU DANH SÁCH
Đáng chú ý, trong danh sách này có sự xuất hiện của công ty quản lý sàn thương mại điện tử Shopee. Cụ thể, Công ty TNHH Shopee bị nhắc tên với 1 tháng chậm đóng bảo hiểm với tổng số tiền chậm đóng là hơn 15,2 tỷ đồng.
Công ty TNHH Shopee được thành lập từ năm 2015, đang sở hữu ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi tháng 12/2019, Công ty TNHH Shopee có vốn điều lệ là 5.266 tỷ đồng (tương đương 228,67 triệu USD). Hiện nay, đại diện pháp luật Công ty là ông Tran Anh Tuan (SN 1982, quốc tịch Mỹ).
Shopee hiện đang là một trong những sàn thương mại điện tử lớn và phổ biến nhất Việt Nam. Theo "Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025" do Metric mới phát hành, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt 318.9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37,3% so với năm 2023.
Năm 2024, tính riêng doanh thu trong nước, Shopee đã đạt hơn 188 nghìn tỷ đồng trong khi hàng nhập khẩu tạo ra hơn 14,2 nghìn tỷ doanh thu cho sàn “Cam”. Shopee chiếm 64% thị phần trong nước, duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 34%, khẳng định vị thế cạnh tranh rất lớn.
GOLDEN GATE VÀO DANH SÁCH SAU NHIỀU BIẾN ĐỘNG KINH DOANH
Theo danh sách của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, “ông lớn” ngành F&B Golden Gate cũng đang nợ 1 tháng tiền bảo hiểm của người lao động là hơn 5,8 tỷ đồng. Theo nội dung đăng ký kinh doanh thay đổi tháng 12/2024, Tập đoàn Golden Gate đã tăng vốn điều lệ từ 77,5 tỷ đồng lên đạt 77,9 tỷ đồng. Hiện đại diện pháp luật Công ty là ông Đào Thế Vinh.
Golden Gate được biết đến là cái tên đứng đầu trong bảng xếp hạng F&B lớn nhất tại Việt Nam năm 2023, hệ sinh thái của “ông lớn” này có hơn 500 nhà hàng trên toàn quốc. Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Golden Gate đang có nhiều biến động đáng kể.
Mới đây, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 30/12/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate quyết định không trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt như kế hoạch trước đó. Lý do được đưa ra là trong năm tới, công ty dự kiến triển khai các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh quy mô lớn trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, mặc dù lý do được đưa ra cho việc trì hoãn này là vì mục đích triển khai dự án, mở rộng kinh doanh nhưng những diễn biến trong năm 2024 lại cho thấy điều ngược lại. Trong năm 2024 nhiều nhà hàng trong hệ thống các thương hiệu của Golden Gate liên tiếp đóng cửa, tạm dừng hoạt động mà không đưa ra lý do.
Ngoài Golden Gate, một “ông lớn” khác trong ngành F&B cũng đang nợ bảo hiểm xã hội là Công ty Cổ phần ẩm thực Mặt trời vàng – đơn vị đang sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng lớn như: King BBQ, ThaiExpress, Hotpot story, Buk Buk… Hiện Công ty Mặt trời vàng đang nợ 2 tháng tiền bảo hiểm là hơn 2 tỷ đồng
VNVC, SAO THÁI DƯƠNG, KID PLAZA… LẦN LƯỢT XUẤT HIỆN
Danh sách nợ bảo hiểm của người lao động đầu năm 2025 đã xuất hiện tên của một số doanh nghiệp trong ngành sức khỏe, bao gồm cả các doanh nghiệp chuyên về sản phẩm mẹ và bé.
Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) cũng bị nêu tên với 1 tháng chậm đóng, số tiền là 3,9 tỷ đồng. Công ty TNHH Kid Plaza chuyên các sản phẩm mẹ và bé cũng đang chậm đóng gần 1,8 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cũng đang nợ hơn 1 tỷ tiền bảo hiểm.
Trong danh sách chậm đóng BHXH còn có sự xuất hiện của loạt doanh nghiệp lớn với thời gian chậm đóng 1 tháng. Gồm: Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội 2,8 tỷ đồng, Công ty TNHH OPTIMIZELY Việt Nam chậm 2,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội 2,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long nợ 2,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Ericsson Việt Nam chậm gần 2,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Thời trang ELISE chậm 2,3 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Công nghệ Bưu chính Viễn Thông chậm 2,2 tỷ đồng, Công ty TNHH trường đại học Anh Quốc VN chậm 1,88 tỷ đồng;
Công ty TNHH Đầu tư & DV Lan Chi sở hữu chuỗi Lan Chi Mart chậm đóng 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Olive chuyên cung cấp suất ăn chậm đóng 1,7 tỷ đồng và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ 30 Shine chậm đóng 1,6 tỷ đồng, Công ty CP Quốc tế Homefarm chậm đóng hơn 909 triệu đồng, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh chậm gần 550 triệu đồng; Công ty Cổ phần sữa Ba Vì chậm 387 triệu đồng; Công ty TNHH Bán lẻ Sammishop chậm gần 371 triệu đồng, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn chậm đóng 366 triệu đồng....