Sau giao đất, gần 20% dự án tại Ninh Bình chậm tiến độ

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, từ năm 2014 tới hết năm 2017, đã có 123 dự án được giao đất để triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong số này, 24 dự án đang ở tình trạng chậm tiến độ.
Sau giao đất, gần 20% dự án tại Ninh Bình chậm tiến độ

Đóng vai trò là "trái tim" của Xuân Thành Group, việc Xuân Thiện Ninh Bình bị chỉ ra lỗi chậm tiến độ ở một dự án nhỏ tại Ninh Bình rõ ràng là điều gây bất ngờ

Báo cáo của UBND tỉnh gửi Đoàn giám sát – Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh cho biết, từ 1.7.2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) tới 31.12.2017, tỉnh đã phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư hơn 150 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 22.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12.2017, có 123 dự án được giao đất.

Trong đó, 99 dự án đã và đang triển khai đúng tiến độ theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn lại, 24 dự án sau khi được chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư chưa triển khai hoặc có triển khai nhưng không tích cực, dẫn tới dự án chậm tiến độ (10 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, an sinh xã hội; 1 dự án FDI; 1 dự án nông nghiệp và 12 dự án thuộc lĩnh vực công thương).

Điểm nhanh một số dự án đáng chú ý như sau. Thứ nhất, là dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Tràng An (phường Văn Giang, TP Ninh Bình) do DN tư nhân xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Quy mô chiếm đất 1,1ha, thời hạn sử dụng đất 50 năm, tổng mức đầu tư lên tới 2.018 tỷ đồng, dự án mới chỉ được giải ngân 200 tỷ (thời điểm cuối năm 2017).

Lý do dẫn tới việc chậm tiến độ của Xuân Trường tại dự án này là phần diện tích cho dự án là đất thư viện tỉnh cũ, nhưng do chưa bố trí được vị trí để xây dựng thư viện mới nên nhà đầu tư chưa triển khai được.

Tiếp đến, là công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình – một thành viên của Xuân Thành Group - đang chậm tiến độ tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy khoáng sản Xuân Thiện (quy mô 5,01ha) tại huyện Nho Quan.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 568 tỷ đồng (thời hạn đến 2059). Nhưng tới cuối tháng 12.2017, dự án mới chỉ được rót chừng 7,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Ninh Bình, là khu vực hành lang an toàn cho công tác nổ mìn khai thác, khu vực tập kết vật liệu khai thác, khu vực xây dựng cảng sông công ty chưa được thuê… UBND tỉnh thông tin về dự án như sau: Hiệu quả chưa đạt nhu cầu mong muốn. Còn nợ ngân sách đến 31.12.2017 gần 3,8 tỷ đồng – một khoản tiền quá “bèo” so với thực lực của Xuân Thiện Ninh Bình.

Lưu ý rằng, ngày 21.11.2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản cho ý kiến về việc điều chỉnh dự án này của Xuân Thiện Ninh Bình. Theo đó, về đề xuất xin mở rộng diện tích thực hiện dự án (khoảng 7,65ha), tỉnh nhất trí chủ trương, đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quy định về trồng rừng thay thế tại vị trí mỏ được phép khai thác theo quy định pháp luật liên quan.  

Tháng 7.2018, Xuân Thiện Ninh Bình ký hợp đồng với tập đoàn năng lượng tái sinh Shuuwakikaku (Nhật Bản)

Cần nhắc lại, Công ty Xuân Thiện Ninh Bình là thành viên của Tập đoàn Xuân Thành (tên chính xác là Công ty CP Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, chứ không phải Công ty CP-Tập đoàn Thaigroup như nhiều người hiểu nhầm). Đây là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đa ngành nghề, có địa bàn hoạt động khắp Việt Nam với hàng loạt dự án nhà máy thủy điện, điện mặt trời, các nhà máy xi măng, nhà máy bột nhẹ, nông nghiệp công nghệ cao…

Được biết, nhóm các công ty Xuân Thiện (Hà Giang, Đăk Lăk, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Thuận, Yên Bái...) có tổng vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng, nòng cốt là Công ty Xuân Thiện Ninh Bình với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng – theo giới thiệu trên website của Xuân Thiện cuối 2017.

Trước đó, vào tháng 6.2016, theo công bố thay đổi nội dung ĐKDN của Xuân Thiện Ninh Bình, thì DN này chỉ có mức vốn điều lệ 1.524 tỷ đồng . Trong đó, riêng ông Nguyễn Văn Thiện (chức vụ Giám đốc) nắm giữ 1.260 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành nắm 120 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Văn Thuyết – cả 3 thành viên đều chung địa chỉ, đăng ký thường trú tại phường Vân Giang, TP Ninh Bình.

Tại Việt Nam, Xuân Thiện Ninh Bình đã và đang là chủ đầu tư, vận hành các nhà máy thủy điện có công suất từ 20 MW đến 100 MW như Thủy điện Suối Sập 1, Thủy điện Háng Đồng A và Thủy điện Háng Đồng A1, Thủy điện Háng Đồng B, Thủy điện Tích Năng Đông Phù Yên (tỉnh Sơn La); Thủy điện Khao Mang, Thủy điện Khao Mang Thượng, Thủy điện Đồng Sung, Thủy điện Thác Cá (tỉnh Yên Bái); Thủy điện Sông Lô 3, Thủy điện Sông Lô 5, Thủy điện Sông Lô 6, Thủy điện Phương Độ (tỉnh Hà Giang)...

Xuân Thiện Ninh Bình còn là một trong những DN lớn ở lĩnh vực xi măng. DN này là một trong những thành viên góp năm lực hình thành nên khả năng sản xuất tới 10 triệu tấn xi măng/năm của Tập đoàn Xuân Thành, với nhiều hợp đồng xuất khẩu sang các nước châu Phi, châu Mỹ.

Năm 2016, Xuân Thiện Ninh Bình từng gây sốc khi có đề nghị được giao làm chủ đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện theo hình thức BOO, với tham vọng tạo một tuyến giao thông đường sông kết nối Hà Nội với một số tỉnh phía Bắc và ven biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng)...

Ở một diễn biến liên quan, dự án Thủy điện Suối Sập 1 (đặt tại huyện Bắc Yên và Phù Yên, Sơn La) của Xuân Thiện Ninh Bình và dự án Thủy điện Háng Đồng A1 (tại huyện Bắc Yên) của Công ty TNHH Xuân Thiện Sơn La vừa nhận quyết định thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Sơn La vào đầu tháng 11. Nội dung thanh tra về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, quan trắc khí tượng thủy văn và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn; Thời kỳ thanh tra từ ngày 1.1.2015 đến ngày công bố quyết định thanh tra.

Trong số hàng chục dự án chậm tiến độ tại tỉnh Ninh Bình, còn không ít DN đáng lưu ý khác. Chúng tôi sẽ thông tin trong bài viết tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…