Báo cáo tài chính quý 2/2017 của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (mã: HKB) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, HKB đạt doanh thu hơn 103 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, giảm gần 70% so cộng kỳ, lỗ ròng 18 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu quý II/2016 giảm mạnh vì mặt hàng marketing chính là hồ tiêu giảm giá mạnh từ 180.000 đồng /kg xuống còn 85.000 đồng/kg.
HKB chỉ còn đúng 1 tỷ đồng tiền mặt và không còn đồng nào trong tài khoản tiền gửi ngân hàng.
Đáng chú ý, Kiểm toán viên đã nêu một sự kiện khá bất thường với khoản đầu tư tài chính dài hạn của HKB. Đó là vào ngày 11/03/2017, HKB và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản là "dây chuyền đánh bóng gạo xuất khẩu". Nguyên giá tài sản trên sổ kế toán là 4.4 tỷ đồng, hao mòn lũy kế tại 31/03/2017 hơn 414 triệu đồng, giá trị còn lại gần 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai bên đã thống nhất định giá lại tài sản góp vốn là 28 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị định giá với giá trị còn lại là hơn 24 tỷ đồng và được HKB ghi nhận vào thu nhập khác. Nhờ khoản thu nhập khác này, HKB đã giảm số lỗ thuần hơn 40 tỷ đồng trong nửa đầu năm xuống mức lỗ ròng 18 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán viên, cơ sở để 2 bên xác định giao dịch góp vốn thành công là: 1 biên bản bàn giao tài sản đã được HTX Tân Cường ký nhận; Biên bản xác định giá trị tài sản góp vốn ngày 15/03/2017 với các thành phần tham gia định giá là đại diện của 2 bên. Giá trị tài sản được các thành viên định giá lại là 28 tỷ đồng.
Đối với các khoản phải thu, Kiểm toán viên lưu ý rằng, trong tổng số công nợ phải thu ngắn hạn của HKB thì có hơn 24,3 tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán (chiếm tỷ lệ 27.8%) và đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 3.3 tỷ đồng. Song, HKB chưa thực hiện theo dõi phân tích tuổi nợ để trích lập dự phòng cho phù hợp. Kiểm toán viên cho biết, bằng các thủ tục soát xét bổ sung vẫn không giúp kiểm toán thu thập được bằng chứng cần thiết để đánh giá tuổi nợ, làm cơ sở xác định giá trị cần trích lập dự phòng theo quy định.
Trong khi đó, hàng tồn kho của HKB cũng chưa được trích lập dự phòng đúng. Kiểm toán cho biết, tại 30/06/2017, HKB có giá trị nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho trên sổ kế toán là 127 tấn, tương ứng số tiền hơn 19 tỷ đồng (đơn giá bình quân 151.063 đồng/kg). Trong khi đó, giá hạt tiêu tham khảo trên thị trường tại thời điểm 30/06 ghi nhận mức cao nhất là 78.000 đồng/kg.
Kiểm toán cho rằng, ước tính giá trị thuần của nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho có thể thực hiện thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ đang phản ánh trên báo cáo tài chính của công ty tại ngày 30/06/2017.
Mặt hàng tiêu là sản phẩm đặc thù đối với thị trường trong nước và xuất khẩu, giá thị trường biến động thường xuyên và chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố nội địa và quốc tế. Do đó, HKB chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm lập BCTC giữa niên độ cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2017. Việc trích lập có thể được HKB xem xét thực hiện tại BCTC năm tài chính kết thúc 31/12/2017.
Còn nếu tính theo mức giá 78.000 đồng/kg tại ngày 30/6, giá trị tồn kho của HKB sẽ chỉ vào khoảng gần 10 tỷ đồng, giảm gần ½ so với con số ghi sổ. Hiện giá tiêu đã có sự phục hồi lên mức xấp xỉ 90.000 đồng/kg tương đương với giá trị tồn kho khoảng 11,4 tỷ đồng.