Cụ thể, Con Cưng khẳng định: “Con Cưng đã và đang nỗ lực mang tới những sản phẩm có chất lượng tốt, hướng tới sự hài lòng của bố mẹ và nụ cười trong trẻo của bé thơ”.
Đính kèm thông báo này là nhiều giấy tờ, bằng chứng từ các thương hiệu, nhãn hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh, xác nhận Con Cưng là công ty phân phối, bán hàng của đơn vị.
Danh sách cập nhật các thương hiệu xác nhận mà Con Cưng đưa ra gồm 3 nhóm hàng, là tã, sữa, thực phẩm; nhóm đồ dùng và nhóm hóa mỹ phẩm
Trước đó vào ngày 28/7, Con Cưng bất ngờ phát thông báo tặng 1 tỷ đồng cho người đầu tiên phát hiện công ty này nhập hàng không chính hãng. Sau đó, trên trang Web của công ty này đã rút toàn bộ thông báo nói trên.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh 7 tháng đầu năm, ông Phạm Thành Kiên, giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Qua kiểm tra, QLTT đã phát hiện Con Cưng có một số vi phạm. QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý kiên quyết như vụ Khải Silk trước đây, theo đúng chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố. Đó là TPHCM không chấp nhận các DN làm ăn gian dối, lừa gạt khách hàng”
Trước đó, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín công bố loạt hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng. Cụ thể, Công ty cổ phần Con Cưng có 7 hành vi vi phạm bị phát hiện, bao gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; Kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin; Có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.
Đại diện Cục Quản lý thị trường khẳng định với 7 hành vi sai phạm trên, đã đủ điều kiện để Con Cưng bị xử lý. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng kiểm tra triệt để các cửa hàng của chuỗi Con Cưng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để xác định mức độ xử lý.
Phản hồi về thông tin này, đại diện Con Cưng khẳng định 30% tổng số mặt hàng quần áo thời trang Con Cưng là hàng Thái Lan được đặt hàng từ nhà cung cấp là Công ty International Incorporated.
Lí giải việc rất nhiều mặt hàng có sai phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trong ghi nhận của Quản lý thị trường, đại diện Con Cưng cho rằng cần phân biệt vi phạm nguồn gốc xuất xứ và sai sót. Hiện hệ thống Con Cưng kinh doanh 10.000 sản phẩm. “Hằng ngày trong khâu di chuyển hàng, xử lý hàng, tem phụ dán trên sản phẩm (được dán bởi keo và sẽ bị bong sau 1 thời gian) sẽ rớt xuống, đó là vi phạm nhãn mác".
Nếu kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cho thấy Con Cưng có sai phạm thì hành động lần này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến 30 thương hiệu công bố xác nhận doanh nghiệp này phân phối và bán hàng chính hãng.
Liệu rằng, với những diễn biến mới về vụ việc, Con Cưng có rút lại bằng chứng hơn 30 thương hiệu xác nhận doanh nghiệp này phân phối và bán hàng chính hãng như đã từng làm với giải thưởng 1 tỷ hay không?