Sẽ có chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chính phủ đang tích cực hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi thực hiện đề án tinh gọn bộ máy chính trị…

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Ban chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trong phiên họp chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã nêu bật vấn đề về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Thủ tướng khẳng định, chế độ, chính sách phải có tính nhất quán, kế thừa các chính sách đã có từ trước đến nay và cao hơn chính sách hiện hành; tinh thần là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý Ban chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc ngay sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.

Việc xây dựng chính sách phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, sức khỏe, kinh nghiệm, nhiệt huyết và gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.

Trưởng Ban Chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện báo cáo, tờ trình để trình cấp có thẩm quyền, Thủ tướng cũng lưu ý việc thiết kế chính sách theo hướng dễ hiểu, dễ tính, dễ nhớ, dễ làm; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời điểm này cả nước vừa tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2024 vừa tiến công vào cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây lại là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, phức tạp, nhạy cảm, đầy cam go và có cả sự cản trở đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, sự dấn thân, dũng cảm và hi sinh của cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu trong hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt để việc triển khai được tiến hành rất nhanh, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chỉ hơn 1 tháng, chúng ta đã thực hiện phương châm Trung ương làm trước, địa phương làm sau; Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã. Điều này đã tạo nên sức nóng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.

"Với khí thế toàn đảng, toàn dân, toàn diện, đồng bộ, khoa học, thận trọng, bài bản và thần tốc, kết quả đến nay đang diễn biến rất tích cực và hiệu quả từ hệ thống chính trị Trung ương đến 63 tỉnh, thành đang rất khẩn trương đồng hành cùng Trung ương", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cơ cấu tổ chức Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ), 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan), giảm 12/13 Tổng cục và tương đương, 500 cục và tương đương thuộc Bộ, thuộc Tổng cục.

Có thể bạn quan tâm