Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM đề xuất đầu tư 7 tuyến Metro hơn 210.000 tỷ đồng

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM (GTVT) vừa đề xuất đầu tư đầu tư 7 tuyến Metro giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.
đầu tư 7 tuyến Metro
Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM đề xuất đầu tư 7 tuyến Metro hơn 210.000 tỷ đồng

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị có 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm tài chính của TP.

Bên cạnh đó, TP sẽ đầu tư thêm 3 tuyến xe điện mặt đất và đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.

Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030 đã được UBND TP phê duyệt và Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP thì cần ưu tiên đầu tư 7 tuyến Metro (chưa có chủ trương đầu tư), tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 -2035 với kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 210.755 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 dài 8,9 km từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) với tổng vốn hơn 38.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 28.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

5 tuyến còn lại gồm: số 3a (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây) dài gần 10 km với tổng vốn 41.800 tỷ đồng; số 4 (giai đoạn 1 từ Thạnh Xuân - Nguyễn Văn Linh) dài gần 21 km, tổng vốn 58.185 tỷ đồng; số 2 (giai đoạn 2 đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) dài 9,1 km, tổng vốn 32.604 tỷ đồng; số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) dài 12,1 km, tổng vốn 41.140 tỷ đồng và số 4b (công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 5,2 km, tổng vốn 24.200 tỷ đồng.

Sở GTVT TP cho biết hiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, trong khi đó việc huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA là nguồn vốn quan trọng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút nguồn vốn ODA rất khó khăn khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đồng thời việc quản lý, sử dụng vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập.

Sở GTVT nhìn nhận cần đề xuất phương thức huy động vốn mới để đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là phương án khai thác quỹ đất khu vực xung quanh các nhà ga metro gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD, nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị; điều này giúp tối ưu hóa nguồn lực từ khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống metro.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đảm bảo hiệu quả, khép kín khi đưa vào sử dụng và tạo nguồn lực đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021 – 2035, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng TOD.

UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP về phương án, kế hoạch huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án đường sắt đô thị cần ưu tiên, tập trung đầu tư giai đoạn 2021 – 2035, báo cáo UBND TP trước ngày 30/11/2022. Trong đó có phương án khai thác quỹ đất vùng phụ cận xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị để tạo nguồn vốn cho ngân sách.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP giao đơn vị này chủ trì, phối hợp với Sở, ngành để đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án đường sắt có khả năng khai thác quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga (đã được quy hoạch đô thị theo mô hình TOD).

Có thể bạn quan tâm