Tại Văn bản số 674/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 26/1/2021 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, tại Văn bản số 3391/BGTVT-KHĐT ngày 19/4/2021.
Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP. HCM báo cáo HĐND cấp tỉnh/thành để đồng thuận giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Về nguồn vốn, các tỉnh xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần.
Trước đó, ngày 18/3, lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cũng có buổi làm việc với UBND TP. HCM về việc thống nhất giao chính quyền Bình Phước chủ trì triển khai, đầu tư, xây dựng dự án. Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nỗ lực sớm khởi công dự án.
Để có cơ sở triển khai dự án theo đúng quy định, trước đó UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ nguồn vốn thực hiện từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 69km, rộng 60m, điểm đầu tại Ngã tư Bình Phước (TPHCM), điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), quy mô từ 6 - 8 làn xe, tiến trình đầu tư định hướng là đến năm 2030, kinh phí khoảng 24.150 tỷ đồng. Công trình quan trọng này nhằm kết nối giao thông giữa Bình Phước, Bình Dương, TP. HCM, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có kinh phí dự kiến hơn 36.000 tỷ đồng. Cụ thể, tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ bắt đầu từ nút giao Gò Dưa (Vành đai 2 – TP. HCM) đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, dài 1,5km, kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua Bình Dương dài 57km, dự kiến đi trên cao 28km, đi dưới đất 29km, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua tỉnh Bình Phước dài 11,5km, kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.